Sóng nào cho cổ phiếu thép?
Chứng khoán chiều 23/8: SAB dẫn dắt thị trường | |
[Infographic] Kiến thức cơ bản về chứng khoán phái sinh |
Những phiên giao dịch đầu tháng 8, HPG (Hòa Phát) tăng từ dưới 32.000 đồng/CP lên gần 34.500 đồng/CP, HSG (Hoa Sen) từ dưới 27.000 đồng/CP lên hơn 29.000 đồng/CP, NKG (Nam Kim) tăng từ hơn 30.000 đồng/CP lên hơn 32.000 đồng/CP, TLH (Tiến Lên) tăng từ 11.000 đồng/CP lên gần 12.000 đồng/CP… Sau đó là một số phiên điều chỉnh và đi ngang và thống kê sơ bộ trong khoảng 5 phiên gần nhất thì cổ phiếu thép không có nhiều biến động.
Cơ hội để cổ phiếu thép bùng nổ không phải là không có, nhưng cùng với đó sẽ là một loạt những thách thức |
Trong những năm gần đây, một đợt sóng dài nhất của một nhóm cổ phiếu thường kéo dài một năm và thép là một trong số đó. Sau một đợt sóng thì cổ phiếu cũng cần từ 6-12 tháng để tích lũy trước khi phát ra một tín hiệu mới. Vậy nên, cơ hội để cổ phiếu thép bùng nổ không phải là không có, nhưng cùng với đó sẽ là một loạt những thách thức:
Câu chuyện về cổ phiếu thép hiện nay không còn mới. Năm 2016 ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của giá thép thế giới, cùng với đó là tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản, vốn cũng tiêu thụ rất nhiều thép. Hơn nữa, nhiều DN sau một giai đoạn khó khăn thì năm 2016 cũng có sự bứt phá mạnh mẽ về kết quả kinh doanh.
Và nếu tính từ khi các DN thép đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán cách đây chục năm, thì lần đầu tiên cổ phiếu thép mới có một đợt tăng giá ngoạn mục và diễn ra trong thời gian dài như vậy. Sự tươi mới tất nhiên còn được gia tăng thêm bởi các đợt phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu rồi tăng vốn điều lệ và như vậy, cổ phiếu thép vừa có nền tảng vững chắc cộng với những chất xúc tác nên dễ bay cao bay xa.
Các yếu tố này ít nhiều đã sụt giảm trong năm 2017, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các DN thép nhìn chung vẫn ấn tượng nhưng không thể so sánh với năm 2016. Xét về mặt kỳ vọng, để có thể duy trì được như năm 2016, DN thép phải đạt mức tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn. Nhưng điều này vô cùng khó, vậy nên sức hút cổ phiếu bị giảm sút cũng là điều dễ hiểu.
Xét về mặt cung cầu, cổ phiếu thép tăng giá từ 2-4 lần trong năm 2016 cũng đã đem lại rất nhiều lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư, đồng thời tạo ra áp lực chốt lãi cũng không hề nhỏ. Lượng tiền chốt lời cổ phiếu thép sẽ có 2 hướng, hoặc quay lại tiếp tục tái đầu tư ở một mức hợp lý hơn, hoặc có thể lựa chọn mục tiêu khác để giải ngân.
Trong khi đó, dòng tiền tham gia cổ phiếu thép ở những mức giá cao, nếu gặp trường hợp không thuận lợi thì khả năng nắm giữ cũng sẽ sụt giảm. Nghĩa là khi không có nhiều chất xúc tác đủ mạnh cho cổ phiếu thép thì nguồn cung có thể gia tăng trong khi dòng tiền chưa tăng kịp và ảnh hưởng đến chiều đi lên của cổ phiếu thép.
Đơn cử, nếu năm 2016, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu phép kỳ vọng lãi 20% mới chốt lời thì tại thời điểm hiện nay, chỉ cần lãi 5-10% cũng có thể bán ra và thu được lợi nhuận. Điều này càng có cơ sở khi mà những phiên gần đây, diễn biến của thị trường chung không quá thuận lợi và đối với nhiều người cứ có lãi là vui, nên được giá thì cũng chốt lãi luôn.
Không có câu chuyện mới, ngoài việc trông chờ vào giá thép, vậy nên chỉ có hai hướng là chờ đợi những tín hiệu bứt phá, hoặc giá cổ phiếu trở về một mức hấp dẫn để mua vào.
Nhưng tiền nào của đó, cổ phiếu thép nếu có mức định giá tốt, kết quả kinh doanh tích cực thì cũng không đi chệch khỏi chiều tăng giá, nhưng ít nhiều có thể khác biệt so với năm 2016. Một kịch bản khả thi nhất đó là cổ phiếu thép có thể tăng theo từng đoạn, mỗi đoạn dao động trong khoảng 10-15%, sau đó là một quãng lui về 5-7% rồi lại tăng tiếp.
Chất xúc tác cho cổ phiếu thép trong giai đoạn này có thể đến từ hoạt động kinh doanh, nhưng sẽ phải đợi đến cuối các quý, cộng với đó là những thông tin về cổ tức và cuối cùng là diễn biến chung của thị trường. Và điều quan trọng hơn cả là nếu đặt cho cổ phiếu thép một kỳ vọng phù hợp, cộng với việc theo dõi kỹ xu hướng thì việc kỳ vọng với một nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt cũng là rất hợp lý và khả thi.