Sức ép và hướng đi để tăng vốn
Nâng hệ số CAR: Bài toán hóc búa | |
Khó tìm nguồn tăng vốn điều lệ cho hai ngân hàng | |
Vốn không tăng, khó lớn mạnh |
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Lý do nào mà ông cho rằng việc tăng vốn trong năm nay lại quan trọng đến như vậy?
Nhìn bề nổi chúng ta thấy có nhiều lý do NH phải tăng vốn trong năm 2017 như đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36 quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, trong đó có quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống còn 50%. Hay quy định cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu…
Còn đi vào vấn đề sâu hơn, với hệ số CAR chính thức của hệ thống TCTD được công bố đang là trên 12%, nhưng nếu tính tất cả các vấn đề một cách đầy đủ từ nợ xấu, chất lượng tài sản, trích lập DPRR… tôi e rằng hệ số CAR chưa chắc đã được hai con số. Nếu CAR của một NH nào đó đang ở mức thấp, chỉ cần vài khoản tín dụng lớn mà không thu hồi được là đã rất có thể lâm vào sự phá sản kỹ thuật. Từ đó có thể thấy vấn đề tăng vốn là tối quan trọng để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống NH Việt Nam.
Vì sao tôi nhấn mạnh điều này. Bởi hiện tại vốn chủ sở hữu thường được ví như cái gối đệm cho phòng ngừa rủi ro từ 3 mảng rủi ro tín dụng, thị trường và hoạt động. Như bạn biết, rủi ro tín dụng thường rất lớn vì tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của các NH. Khi có vấn đề bất trắc xảy ra, với số vốn nhỏ bé NH sẽ rất khó để chống đỡ. Ngay cả rủi ro thị trường cũng vậy.
NH mà không quản lý tốt nguồn vốn đầu tư không đúng chỗ, vào những tài sản không sinh lời, thì khi thị trường có biến động, NH chịu thiệt hại. Thiệt hại này tuy không lớn như rủi ro tín dụng nhưng cũng sẽ tác động mạnh vào vốn chủ sở hữu…
Như trường hợp 3 NH 0 đồng, nếu không có sự ra tay của NHNN chắc chắn sẽ là một kết thúc không hề có hậu đối với những NH này. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của chiếc “gối đệm” này, nó không chỉ giúp NH chống đỡ những rủi ro mà có thể giải quyết những thiệt hại bởi rủi ro mang lại. Tôi thấy rằng, các NH đã nhận thức rõ những điều này và đang có kế hoạch để thực hiện tăng vốn.
Theo ông, thời điểm này cách tăng vốn nào hiệu quả nhất cho các NH?
Thông thường, để tăng vốn chủ sở hữu nói chung có thể bằng hai cách. Cách một, huy động từ các cổ đông cũ, cổ đông mới bỏ thêm tiền đầu tư vào NH. Cách hai là tăng từ nguồn lợi nhuận của NH tạo ra. Thế nhưng, tôi thấy cả hai cách này đang gặp khó. Đơn cử, thời điểm này khi mà các NH kinh doanh hiệu quả còn thấp việc yêu cầu các cổ đông mới cũng như hiện hữu bỏ thêm tiền vào đầu tư là tương đối khó.
Còn cách tăng vốn từ nguồn lợi nhuận hiện có cũng không dễ vì kinh doanh NH mấy năm qua khó khăn nên lợi nhuận không được dư dả. Nhiều NH đang đứng giữa ngã ba đường. Biết là tăng vốn rất cần thiết, nhưng môi trường kinh doanh hiện tại không ủng hộ kế hoạch này của họ.
Theo tôi, để giải quyết bài toán khó trên, có lẽ chỉ có cách là kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài và các NH quyết liệt tiết kiệm chi phí hoạt động, quản lý rủi ro tốt để không phải tăng trích lập DPRR, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận tốt để có thể tính đến giữ lại lợi nhuận tăng vốn.
Ông nghĩ sao về phương án phát hành cổ phiếu cho các cán bộ nhân viên của chính NH để tăng vốn?
Đó là điều rất tốt. Tất nhiên, việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên của NH phải là tiền tươi thóc thật chứ không phải hình thức thay vì trả lương, thưởng bằng cổ phiếu. Mặt khác, khi họ mua cổ phần cũng sẽ tăng nhiệt tình trách nhiệm của cán bộ nhân viên với NH thay vì chỉ làm công ăn lương, bởi khi đó, chính họ sẽ là những “ông chủ” nhỏ của NH mình đang làm. Cách này khó kỳ vọng có thể huy động được nguồn vốn lớn, nhưng trong giai đoạn khó khăn được phần nào hay phần đó.
Xin cảm ơn ông!