Vốn không tăng, khó lớn mạnh
Cơ hội có, thách thức cũng nhiều | |
Tăng vốn điều lệ: Có rơi vào nghịch cảnh? | |
Tăng vốn và Basel II: Chỉ là một mặt của vấn đề |
Tăng vốn: Dễ mà không dễ
Năm 2016, có trên 10 NH công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng gần 50.000 tỷ đồng - theo thông tin được đưa ra từ một số công ty chứng khoán. Để nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh... thì việc tăng vốn là một trong những mục tiêu đề ra của mỗi nhà băng.
Sáu tháng đầu năm 2016, mới có hai NH trong số đó hoàn thành kế hoạch tăng vốn là Bac A Bank và VPBank với mức tương ứng lên 5.000 tỷ đồng và 9.181 tỷ đồng. Song trên thực tế, hai nhà băng này gần như đã hoàn thành việc tăng vốn từ cuối năm ngoái, nhưng tới năm 2016 mới hạch toán. Mới đây nhất, ngày 9/11, VIB công bố hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ từ 4.850 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng…
Ngoài những NH này, đầu tháng 10/2016, NHNN đưa ra một loạt văn bản chấp thuận tăng vốn cho một số NHTM. Trong đó, ACB được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.376 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng. MB được chấp thuận tăng vốn từ 16.311 tỷ đồng lên 17.127 tỷ đồng. Trước đó tháng 8/2016, nhà quản lý cũng đã có văn bản đồng ý cho TPBank tăng vốn từ 5.550 tỷ đồng lên 5.842 tỷ đồng. TPBank cho biết sẽ bán 4,99% cổ phần ưu đãi cho IFC nhằm hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Vào tháng 7/2016, ABBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.320 tỷ đồng...
Tăng vốn phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng NH |
Chấp thuận chủ trương là một chuyện, hoàn thành được mục tiêu đề ra hay không lại là vấn đề khác. Tăng vốn không chỉ khó với các NH có quy mô nhỏ, mà ngay cả với những ông lớn NH cũng là chuyện nan giải. Như trường hợp của Vietcombank, ngày 29/8, NH này công bố thoả thuận ghi nhớ bán cổ phần cho nước ngoài.
Theo đó, quỹ GIC (Singapore) đồng ý mua 7,73% cổ phần của Vietcombank vào cuối năm. NH này cũng đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết ĐHCĐ đầu năm 2016. Nhưng tới thời điểm này, sau khá nhiều đàm phán, giao dịch này vẫn chưa đi tới hồi kết. BIDV cũng dự kiến gia tăng vốn điều lệ từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng hiện chưa có thông tin cụ thể. VietinBank cũng kỳ vọng từ thương vụ sáp nhập PGBank vào cuối năm nay để nâng vốn điều lệ. Tuy vậy thông tin thêm về thương vụ này cũng chưa được NH hé lộ...
Quan trọng là củng cố niềm tin
Vậy vướng mắc ở đâu khiến cho nhiều nhà băng khá chật vật để tăng vốn? Theo lý giải của TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cần xét riêng giữa khối NHTMNN và khối NHTMCP. Với các NHTMNN, luôn phải chờ ý kiến của NHNN. Khó khăn theo ông Tín đưa ra có lẽ nằm ở việc định giá giữa bên mua và bên bán. NH cần phải tìm những đối tác phù hợp. Đây cũng không phải là việc dễ nên ngoài tăng vốn điều lệ, các NH cũng tiến hành tăng vốn tự có cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu dài hạn.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này cho rằng: Về phía các NHTMCP, không có nguồn vốn nhà nước thì “kẹt” trong tăng vốn ở vấn đề thị trường, phụ thuộc vào các nhà đầu tư. Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư thường được phân thành hai loại: nhà đầu tư phát hành theo hướng riêng lẻ, và nhà đầu tư phát hành ra thị trường. Đối với nhà đầu tư riêng lẻ, họ rất so đo, tính toán dựa trên các món nợ xấu mà các NH đang phải xử lý. Vì sau khi trích lập dự phòng đầy đủ, lợi nhuận NH sẽ giảm, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, khiến nhà đầu tư cũng không hào hứng.
Còn nếu phát hành trên thị trường chứng khoán hiện nay, theo ông Tín cũng có vướng mắc. Bởi cổ phiếu NH cũng không còn độ “hot” như xưa. Đặc biệt như năm nay, với thị trường chứng khoán nói chung cũng không có tăng trưởng mạnh mẽ như ở thời điểm những năm 2006 - 2008. Chính bởi sự tăng trưởng của thị trường không nhiều nên các nhà đầu tư tập trung vào những lĩnh vực khác, đang có sự tăng trưởng tốt hơn NH.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo một NHTMCP cũng nhận thấy cốt lõi vẫn là nền tảng của hệ thống NH. Mọi vấn đề từ nợ xấu, sở hữu chéo... cần phải được giải quyết từ gốc. Khi mọi thứ được khắc phục, tốt lên tự khắc sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư. Vì trường vốn là yếu tố để NH lớn mạnh.
Còn với TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông nhận thấy vướng mắc lớn nhất ở việc các NH khó tăng vốn là do các cổ đông không mặn mà, vì lợi nhuận thấp. Đưa ra hai chỉ số tiêu biểu của NH là ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), ông Hiếu cho biết hiện nay ROA của hệ thống NH khoảng dưới 0,5%; còn ROE dưới 5% - là mức thấp so với nhiều NH trên thế giới. “Các cổ đông khi thấy NH không sinh lời thì vấn đề bỏ thêm tiền vào NH dường như rất ngại ngùng.
Trong khi đó, một số kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ... cũng có sự tăng trưởng nhẹ. Nên việc hâm nóng lòng mong muốn tăng vốn của các cổ đông là điều rất khó” - ông Hiếu chia sẻ.
Một điểm nữa cũng được chuyên gia lưu ý, thông thường các NH khi được hỏi về tình hình tài chính thường đưa ra vốn điều lệ. Nhưng theo chuyên gia, vốn điều lệ chỉ là vốn trên sổ sách, còn giá trị thực của vốn điều lệ là vốn tự có, mới quyết định cho sức khoẻ tài chính của các NH.
Với chuyện tăng vốn ở NH, một chuyên gia tài chính khác bày tỏ: hệ số CAR hiện nay chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng năng lực tài chính của các NH vì trong đó rất có thể có vốn ảo. Chưa kể tới một số tài sản của các NH là nợ xấu vẫn được giữ giá trị trên sổ sách. Nếu loại trừ tài sản xấu, sẽ ăn ngay vào vốn chủ sở hữu. Hệ số CAR từ đó có thể thấp hơn nhiều so với con số đang được công bố chính thức.
Từ nay tới cuối năm, có lẽ không còn nhiều thời gian để hy vọng các NH đạt được mục tiêu đặt ra. Chuyện tăng vốn có lẽ phải bàn tới năm 2017. Theo chuyên gia, một số vấn đề cần được NH lưu tâm.
Thứ nhất, nợ xấu của các NH phải được công khai, minh bạch, kể cả những nợ xấu đã bán cho VAMC (vì số nợ này cũng rất có khả năng quay trở lại NH). Từ đó cho cổ đông thấy được bức tranh toàn diện về nợ xấu để tính toán được vốn tự có thực chất.
Thứ hai, các NH phải đưa ra kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng vốn cụ thể, hợp lý, sử dụng dòng vốn như thế nào (đầu tư công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở, nâng cao sức cạnh tranh...). Thứ ba, ban lãnh đạo phải là những người có thực lực, kinh nghiệm để lèo lái con thuyền NH đi đúng hướng. Như vậy mới tạo dựng được niềm tin, xoá bỏ đi những ngại ngần của cổ đông với những người đang sử dụng tài sản của họ.