Tắc trách trong quản lý khai thác tài nguyên
Trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, trình UBND tỉnh Gia Lai cấp 88 giấy phép khai thác khoáng sản. Song, đến cuối năm 2013, trong 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, có 11 mỏ khoáng sản chưa được các DN triển khai. Trong đó, có 3 mỏ của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, 3 mỏ của Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, 2 mỏ của Công ty Hoàng Nhi, 1 mỏ của Công ty Sơn Thạch... Những giấy phép khai thác này đều được cấp từ giữa năm 2011 và có một giấy phép hết hạn từ năm 2012 nhưng cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai không thực hiện việc kiểm tra sau cấp phép để kịp thời chấn chỉnh DN và ra quyết định thu hồi giấy phép…
Buông lỏng quản lý, nguyên nhân khiến cho nguồn tài nguyên bị thất thoát
Chưa dừng lại ở việc xin giấy phép khai thác để làm “của để dành”, nhiều DN được cấp phép khai thác trên địa bàn đã tổ chức khai thác vượt công suất so với quy định. Đơn cử, DN tư nhân Huy Thịnh ở huyện Kbang được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép thu gom khoáng sản vùng dự án thủy điện An Khê - Ka Nak từ ngày 25/8/2011 đến 30/10/2011 với số lượng 5.000m3. Song DN này khai thác đến năm 2012 với sản lượng đá khai thác lên đến trên 73.000m3. Riêng số lượng đá tồn tại bãi khai thác của DN vào thời điểm 27/6/2013 đã trên con số được phép khai thác khoảng 8.000m3. Tương tự, Xí nghiệp đá xây dựng Xuân Thủy khai thác vượt công suất cho phép 45.000m3/năm…
Chưa hết, không những thiếu chặt chẽ trong công tác hậu kiểm sau cấp phép khai thác, buông lỏng quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản mà công tác phục hồi môi trường sau khi khai thác cũng chưa được các cơ quan chức năng địa phương này quan tâm. Minh chứng cho điều này là trường hợp có những DN chưa thực hiện công tác ký quỹ phục hồi môi trường hoặc có đóng nhưng không đáng kể nhưng vẫn được khai thác.
Trong khi đó, cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát công tác này chưa thực hiện được chức năng giám sát nên việc hoàn trả lại mặt bằng, trồng lại cây cối, tạo môi trường cho vùng mỏ khai thác hầu như bỏ ngỏ cho DN. Những trường hợp trên chỉ là những ví dụ điển hình cho thấy công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị buông lỏng.
Theo kết quả kiểm tra tại Sở TN&MT của đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực XII (Kiểm toán Nhà nước) thì trong số 89 giấy phép khai thác khoáng sản, tính đến thời điểm kiểm toán chỉ mới có 44/89 đơn vị thực hiện nộp tiền ký quỹ. Nhiều DN thực hiện việc ký quỹ, nhưng chỉ với số tiền không đáng kể, cụ thể như mỏ đá gabro của Công ty Hoa Sen chỉ nộp gần 10% số tiền phải nộp; mỏ đá gabro của Xí nghiệp tư doanh Bảo Cường nộp 20.398.000 / 141.090.000 đồng; mỏ đá Gabro của Công ty Sơn Thạch chỉ mới nộp 32.768.656 / 163.843.000 đồng…
Thiết nghĩ, các ngành chức năng địa phương này cần sớm vào cuộc chấn chỉnh lập lại trật tự đối với hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn. Nhanh chóng có biện pháp xử lý, thu hồi giấy phép đối với những DN vi phạm, buộc DN hoàn trả mặt bằng và cải thiện môi trường theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoảng sản.
Bài và ảnh Chí Thiện