Tài chính toàn diện cho phụ nữ
Đại biểu Hội nghị Tài chính toàn diện thăm mô hình tài chính vi mô | |
NHNN đóng vai trò quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện | |
Động lực phát triển kinh tế - xã hội |
Hướng quan tâm vào phụ nữ
Tài chính toàn diện - vấn đề đang thu hút sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu, vì được coi là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy giảm nghèo và phát triển bền vững, đã được Việt Nam đề xuất lựa chọn thảo luận, hợp tác xuyên suốt cả năm APEC 2017.
Lý giải cho sự lựa chọn này, đại diện NHNN - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tài chính toàn diện chính là việc cung cấp dịch vụ tài chính chính thống phù hợp và dễ tiếp cận đến mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt đối tượng người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, nhằm tăng cơ hội tiếp cận tài chính, tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo bền vững, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Ứng dụng công nghệ ngân hàng phục vụ tận vùng nông thôn |
Thực tế đã chứng tỏ rằng, khu vực nông thôn Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, hướng mối quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn, với chủ thể chính là nông dân nông thôn và phụ nữ - đối tượng thụ hưởng các dịch vụ tài chính, là điểm nhấn quyết định cơ bản thành công của chương trình.
Nói như vậy bởi những người phụ nữ không chỉ giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, mà quan trọng hơn, đó còn là những tuyên truyền viên đắc lực cho tài chính toàn diện đến những người thân trong gia đình và cả cộng đồng xung quanh, góp phần hiện thực hóa các dịch vụ tài chính vào cuộc sống một cách nhanh nhất.
Qua đó, làm tăng độ bao phủ của tài chính toàn diện ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) cho biết, phụ nữ đang giữ vai trò tích cực và chủ yếu trong việc mở các tài khoản tiết kiệm, dù chỉ vài nghìn đồng, hay những khoản vay chỉ vài trăm nghìn đồng…
Thực tế chứng minh rằng, phụ nữ làm những công việc này tốt hơn nam giới. Thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường tài chính – ngân hàng cũng là cách gián tiếp xóa bỏ bất bình đẳng giới, tăng thêm quyền năng cho phụ nữ. Và ứng dụng thanh toán kỹ thuật số sẽ chẳng những tiết kiệm chi phí, mà còn là giải pháp thanh toán bền vững.
Mới đây, VBSP đã phối hợp với Quỹ châu Á, Bộ Ngoại giao Thương mại Australia và MasterCard cùng khởi động dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” giai đoạn 2. Dự án được Chính phủ Australia hỗ trợ trong 3 năm (2017-2019), thuộc khuôn khổ chương trình Hợp tác kinh doanh và nhằm mục tiêu tăng cường và cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, đặc biệt là các DN vi mô do phụ nữ điều hành.
Đây là sự kế thừa những thành công từ hợp tác nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ mới về dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho hộ nghèo và đối tượng chính sách” giữa VBSP và nhà tài trợ là Quỹ châu Á.
Dự án được khởi động bằng việc VBSP gửi cho khách hàng thông tin như lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng qua tin nhắn SMS. Bước đầu, VBSP sẽ triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Banking tới các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và khách hàng nhằm tự động hóa quy trình giao dịch với ngân hàng, mở rộng các dịch vụ trên nền tảng di động như: chuyển tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, từng bước giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện. Dự án bắt đầu thực hiện ở khu vực đô thị, ngoại thành và dần dần mở rộng tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.
Việc VBSP tận dụng Mobile Banking kết nối với hơn 7 triệu khách hàng của mình chính là cách để giảm chi phí thành lập chi nhánh ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy nhanh tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn. Đại diện NHNN khẳng định sẽ huy động tổng hợp nguồn lực để tham gia xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và sẽ thiết lập một cơ chế điều phối/phối hợp để triển khai. Đồng thời, tăng cường các khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính và nâng cao kiến thức tài chính cho người dân để có thể tối ưu hóa khả năng sử dụng nguồn tài chính của mình.
Đến tăng tốc hiện đại hóa ngân hàng
Trên thực tế, Mobile Banking đã được hầu hết các ngân hàng ở các đô thị lớn triển khai từ lâu, song mỗi ngân hàng sẽ dựa trên những nền tảng ứng dụng công nghệ khác nhau để có cách gọi tên khác nhau. Đơn cử như Mobile Banking tại VIB có tên Ứng dụng Ngân hàng di động (MyVIB), bởi MyVIB là dịch vụ mở rộng của dịch vụ ngân hàng điện tử và được thiết kế tương thích với dòng điện thoại di động thông minh dùng hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone, giúp truy cập nhanh thông tin tài khoản của mình...
Hay dịch vụ Mobile Banking Eximbank là dịch vụ ngân hàng qua điện thoại. Thông qua ứng dụng Mobile Banking cài đặt trên điện thoại di động có kết nối Internet (GPRS/Wifi/3G), khách hàng có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến 24/7 với ngân hàng dễ dàng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Vietcombank có VCB-iB@nking - dịch vụ ngân hàng trực truyến internet banking với 02 phiên bản dành cho máy tính cá nhân (PC) và dành cho các thiết bị di động cầm tay như điện thoại, máy tính bảng... (Mobile Web). Còn Agribank có E-Mobile Banking cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch ngân hàng trên máy điện thoại/máy tính bảng có kết nối Internet (3G/Wifi). Maritime Bank vừa kịp trình làng Mobile App - ứng dụng ngân hàng điện tử trên smartphone hoặc máy tính bảng kết nối Internet…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi các kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Thông qua hạ tầng viễn thông, một chiếc điện thoại thông minh, ngoài các chức năng của một chiếc điện thoại thông thường nay còn được các ngân hàng tích hợp vào đó cả dịch vụ ngân hàng điện tử: tìm kiếm thông tin, sản phẩm, mua hàng và thanh toán.
Chính sự thuận tiện đó đang tạo nên một xu hướng hoàn toàn mới: kênh bán hàng qua Internet, Mobile Banking, Tablet Banking, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ.
Xu thế thanh toán kỹ thuật số đang hiện hữu, lấn lướt, dần thay thế ngân hàng truyền thống. Đưa vào hoạt động mô hình giao dịch ngân hàng tự động LiveBank, NHTMCP Tiên Phong (TPBank) hiện là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam áp dụng hệ thống này.