Tài chính vi mô: Bệ phóng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo
Cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thông qua mô hình Tổ vay vốn
Xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tăng trưởng về kinh tế gắn với công bằng xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đổi mới đất nước.
Hoạt động tài chính vi mô của Agribank góp phần tích cực trong việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới |
Với mục tiêu này, hoạt động tài chính vi mô của Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua việc từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay và các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các hộ gia đình thu nhập thấp.
Hoạt động tài chính vi mô hướng tới các hộ gia đình có thu nhập thấp với các khoản vay nhỏ, nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, phần lớn dân số thu nhập còn thấp, do đó, việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô là một trong những giải pháp tích cực để hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống. Hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (được thành lập trên cơ sở đề xuất của Agribank năm 1995 về thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo và được tách ra từ Agribank), Quỹ hỗ trợ nông dân (trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Agribank là một trong những kênh chính thức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô.
Với mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo… và tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách (Agribank hiện đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững), cũng như huy động vốn linh hoạt, ưu tiên chuyển tải vốn từ địa bàn thành thị về nông thôn, Agribank đã mở rộng hoạt động tài chính vi mô trên toàn quốc với hơn 3 triệu khách hàng cá nhân vay vốn và hơn 5 triệu khách hàng gửi tiết kiệm.
Đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn của Agribank đạt 1.074.798 tỷ đồng, trong đó tiền gửi huy động tiết kiệm từ dân cư là 853.054 tỷ đồng. Tổng dư nợ đầu tư nền kinh tế đạt 876.497 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 645.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung vào đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình với tổng dư nợ cho vay là 605.612 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng dư nợ nền kinh tế, với 3.685.681 khách hàng, chiếm tỷ trọng 99,4% tổng số khách hàng trên toàn hệ thống Agribank.
Mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh…
Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
Để thực hiện tốt mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai hiệu quả mô hình Tổ vay vốn, Agribank triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các Chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương trên cả nước.
Với hàng loạt văn bản chỉ đạo xuyên suốt trong hơn 18 năm xây dựng và phát triển hệ thống Tổ vay vốn đã cho thấy sự quan tâm của Agribank đối với việc xây dựng mô hình này, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tới người dân ở khắp vùng miền, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Cụ thể, ngày 30/3/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg “Về một sổ chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Để đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg, Agribank đã triển khai ký kết Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT/1999 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số 02/NQLT-2000 với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Về việc thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” theo Quyết định 67/1999/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện mô hình cho vay qua tổ vay vốn, nâng cao hiệu quả đồng vốn đến với người nông dân; ngày 1/11/2016, Hội đồng thành viên Agribank đã phê duyệt Đề án 1772/HĐTV-HSX về nâng cao hiệu quả cho vay đối hộ gia đình và cá nhân thông qua tổ vay vốn – tổ cho vay lưu động…
Qua thống kê số liệu tổng hợp cho vay tổ vay vốn từ năm 2010 đến 2017 của Agribank cho thấy, dư nợ đều tăng dần qua các năm. Năm 2013, đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội, từ 17.333 tỷ đồng năm 2012 lên 33.777 tỷ đồng năm 2013, đánh dấu sự tham gia tích cực của các tổ chức hội khác, ngoài hội phụ nữ và hội nông dân, các chi nhánh đẩy mạnh việc cho vay qua các hội khác như các tổ do UBND xã quản lý, tổ do công đoàn quản lý và các tổ chức đoàn thể khác.
Những năm tiếp theo tăng trưởng dư nợ qua tổ vay vốn tăng đều từ 29-30%. Đến 31/12/2017, Agribank đã triển khai cho vay qua 52.380 tổ vay vốn với 1.261.847 thành viên trên địa bàn 75 chi nhánh.
Dư nợ bình quân trên 1 thành viên và dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn tăng đều qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2014-2017, dư nợ bình quân trên 1 thành viên từ 42 triệu đồng lên hơn 50 triệu đồng năm 2015 và đạt 72 triệu đồng năm 2017. Dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn từ 998 triệu đồng năm 2014 lên 1.171 triệu đồng năm 2015 và đạt 1.734 triệu đồng năm 2017, tăng trưởng 21% so với năm 2016.
Để có được kết quả đó nhờ đóng góp tích cực từ tổ vay vốn nhất là các tổ trưởng. Các tổ trưởng là thành viên có uy tín trong các tổ hội, thường nắm rõ về gia cảnh của các hội viên, nên có thể giúp ngân hàng lựa chọn được những khách hàng tốt, và có thể chăm sóc được tốt hơn với những khách hàng ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vay vốn một cách thuận tiện hơn.
Khách hàng được hướng dẫn tư vấn về thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ có thể học hỏi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Phát huy vai trò của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả của mô hình tổ vay vốn là sự tích cực tham gia của các tổ chức Đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ. Cùng với các tổ chức hội, mô hình tổ vay vốn đã giúp các hội viên có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định đời sống, đồng thời, thông qua mô hình tổ vay vốn kết hợp với Hội phụ nữ phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới.
Kết quả cho vay tổ vay vốn theo Thỏa thuận liên ngành giữa Agribank và Hội phụ nữ minh chứng cho chủ trương định hướng đúng đắn của ngân hàng. Từ năm 2012 tới nay, tổ vay vốn qua Hội phụ nữ không ngừng được mở rộng, dư nợ tăng trưởng hàng năm cao, đã thể hiện được sự quan tâm và nhận thức của các chị em đã từng bước cải thiện, không còn gói gọn trong vai trò người vợ người mẹ trong gia đình, các chị em đã mạnh dạn tiếp cận vốn vay ngân hàng để tổ chức sản xuất, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, qua đó, khẳng định sự độc lập của bản thân, và vai trò của mình trong gia đình, xã hội.
Nhiều chị em có hoàn cảnh nghèo khó được hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần khơi dậy ý thức tự lực tự cường, tình yêu thương và sự đùm bọc sẻ chia lẫn nhau. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Hội phụ nữ các cấp cơ sở và ngân hàng nơi cho vay đã giúp chất lượng tín dụng qua tổ nhóm, đặc biệt, qua Hội phụ nữ, được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp dưới 1%.
Đến nay, dư nợ cho vay qua Hội phụ nữ đạt 17.319 tỷ đồng, chiếm 18,6% dư nợ cho vay qua tổ vay vốn 268.615 thành viên thuộc 11.439 tổ. Dư nợ bình quân trên 1 thành viên là 64 triệu đồng.
Có thể thấy, mô hình tổ vay vốn kết hợp với Hội phụ nữ các cấp cơ sở trở thành một kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng hữu ích, giúp phụ nữ cơ sở có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, được tư vấn hỗ trợ về quy trình thủ tục vay vốn, qua đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Với việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với phong trào giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, Agribank đã cùng Hội phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động tích cực các tổ viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm tại địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Các dịch vụ tài chính đa dạng như: cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm… và mạng lưới hoạt động rộng khắp, các tổ vay vốn đến từng xã, Agribank đã giúp những người dân nói chung và các chị em phụ nữ nói riêng, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người dân có thu nhập thấp có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Agribank đã từng bước khẳng định vai trò không thể thiếu trong lĩnh vực cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính hướng về các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp với những khoản vay nhỏ, phát huy vai trò chính trị của NHTM 100% vốn Nhà nước trong công cuộc đổi mới, khẳng định vai trò chủ lực trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chính sách đã được NHNN Việt Nam xác định: tài chính vi mô là một mũi nhọn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Sáng nay 25/9/2018, Hội thảo khoa học quốc gia “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đại biểu các Bộ, ban, ngành, các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới... Những thành tựu quan trọng đó có phần đóng góp tích cực từ kết quả đạt được của hoạt động tài chính vi mô mà các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank đã và đang tích cực triển khai thông qua hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp. |