Tài chính vi mô: Hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển bền vững
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng (Vụ 4), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN; ông Jagdeep Dahiya, Tư vấn trưởng dự án Công ty Microsave (Ấn Độ); đại diện Nhóm công tác TCVM Việt Nam (MFWG); đại diện tổ chức TCVM tại Thanh Hoá, Nghệ An, Vĩnh Phúc...
Toàn cảnh Hội thảo |
Tài chính vi mô (TCVM) cung cấp cho người thu nhập thấp các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và bền vững.
Ông Hoàng Quốc Mạnh cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động TCVM đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX và được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xoá đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển.
Ông Mạnh cũng cho rằng, dù TCVM là lĩnh vực mới hình thành và phát triển ở Việt Nam trong vòng vài chục năm trở lại đây nhưng những hiệu quả mà lĩnh vực này mang lại đã tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Từ những chủ trương, chính sách lớn về TCVM, NHNN là đơn vị được giao triển khai, hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm quản lý cho TCVM phát triển. Hội thảo được tổ chức lần này là diễn đàn để các đại biểu, các tổ chức TCVM có cơ hội cung cấp, trao đổi kinh nghiệm, qua đó có một bức tranh tương đối toàn cảnh về TCVM. Điều này sẽ tạo điều kiện, môi trường cho ngành TCVM ngày càng phát triển.
Hiệu quả xã hội của một tổ chức TCVM là những ảnh hưởng tích cực tới khách hàng, nhân viên, cộng đồng và môi trường mà hoạt động TCVM mang lại, thể hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức TCVM.
Hiện nay, các tổ chức TCVM tại Việt Nam có chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, quy mô được mở rộng, nguồn vốn cho vay đạt 32 - 54% hộ nghèo tại các địa phương, trên 90% người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nhỏ có thu nhập tăng lên rõ rệt. Nhu cầu xin thành lập tổ chức TCVM ngày một tăng lên (hiện đang có 4 hồ sơ xin thành lập tổ chức TCVM); Quỹ Hỗ trợ tín dụng đang được NHNN triển khai thí điểm thành lập....
Tuy nhiên, hoạt động của chương trình, dự án TCVM đang ngày càng gặp nhiều thử thách hơn khi phải theo đuổi đồng thời mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Từ chuyện thiếu vốn, cạnh tranh không đồng đều, thiếu kỹ thuật, năng lực hạn chế... thì việc những quy định pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu thực tiễn là một trong những nguyên nhân lớn gây ra việc hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo, người thu nhập thấp. Đây cũng là nội dung chính được các đại biểu đề cập và trao đổi tại Hội thảo.
Ông Jagdeep Dahiya cho rằng: Khi các tổ chức TCVM được cung cấp nhiều dịch vụ hơn thì rủi ro sẽ càng tăng lên nên yêu cầu về kiểm soát cũng cần được nâng cao hơn.
Ông Jagdeep cũng nêu ra một bài học từ Ấn Độ: Đó là giai đoạn 2005 - 2010, Ấn Độ xảy ra khủng hoảng TCVM bởi thời điểm này TCVM phát triển quá mạnh, có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ TCVM tại đất nước này. Nhưng do thiếu khung khổ pháp lý hiệu quả nên nhiều người dân rơi vào tình cảnh vỡ nợ.
Từ bài học này, ông Jagdeep cho rằng sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, cơ quan quản lý là yêu cầu phải có để bảo vệ người dân, điều chỉnh tổ chức TCVM đi đúng hướng.
Tính đến hết giai đoạn 1 (2011-2015), Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 đã xây dựng được môi trường pháp lý phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức TCVM.
Bên cạnh đó, năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước phần nào được nâng cao hơn. Nâng cao năng lực của tổ chức TCVM tập trung vào việc hướng dẫn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững.
Bước sang giai đoạn 2 (2015 - 2020), yêu cầu của giai đoạn này đề ra là cần hoàn thiện môi trường pháp lý đồng bộ, cho phép đa dạng hoá loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ TCVM.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn năng lực hoạch định chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của tổ chức TCVM. Nhiệm vụ đặt ra là phải phân công nhiệm vụ, triển khai quyết định cụ thể tới từng Bộ, ngành, tổ chức liên quan.
Sau khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực, tổ chức TCVM được công nhận là một loại hình TCTD nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM.
Từ khi triển khai Đề án tới nay, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho cán bộ tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát ở trong, ngoài nước về TCVM. Đồng thời cũng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý, thanh tra, giám sát đối với TCVM.
Là một trong ba tổ chức TCVM chính thức tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc tổ chức TCVM Thanh Hoá chia sẻ: Để hướng tới một ngành TCVM rộng lớn với các tổ chức bền vững và có trách nhiệm với xã hội, cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, DN siêu nhỏ và nhỏ tại Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng.
Muốn đạt được mục tiêu này, các tổ chức TCVM tại Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác quản trị và điều hành, tăng tính bền vững thông qua giảm chi phí, tăng nguồn thu.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới chuyện minh bạch hoá thông tin để tăng uy tín và bảo vệ quyền lợi khách hàng; đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ TCVM để cân bằng giữa các dịch vụ tài chính và xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các tổ chức có hoạt động TCVM...
Bàn về tính bền vững của tổ chức TCVM tại Việt Nam, TS. Lê Thanh Tâm, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, chuyên gia TCVM chia sẻ, tổ chức TCVM sẽ bền vững nếu có thể duy trì được sự cân bằng giữa an toàn - sinh lời trong thời gian dài, phục vụ lợi ích của khách hàng, gia tăng lợi ích cho cộng đồng, xã hội, môi trường.