Tài chính vi mô: Xác định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ để tài chính vi mô hoạt động hiệu quả, bền vững | |
Hoàn thiện khung pháp lý về chế độ tài chính cho TCVM |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Được hình thành từ thập niên 80, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực như một công cụ hữu hiệu tạo cơ hội cho người nghèo/người có thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần đẩy lùi tín dụng đen theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, qua sơ bộ khảo sát, nghiên cứu và đánh giá ở các địa phương có thể thấy, vai trò to lớn của loại hình TCVM này trong hệ thống các TCTD nói chung và hoạt động tiền tệ ngân hàng nói riêng là rất thiết thực, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt khu vực kinh tế chậm phát triển, với đối tượng người thu nhập thấp, người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 đã lần đầu tiên khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình TCTD trong hệ thống các TCTD của Việt Nam. Như vậy, việc các tổ chức TCVM được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật Các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn là một bước tiến đối với lĩnh vực TCVM. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định hoạt động của ngành TCVM tại Việt Nam.
Thêm nữa, hướng dẫn Khoản 6 Điều 161 Luật Các TCTD, ngày 12/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (Quyết định số 20). Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, Quyết định số 20 được xem là bước đi đúng hướng, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và đã tạo tiền đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở quản lý thống nhất các chương trình, dự án TCVM đang hoạt động nhỏ lẻ, khá đa dạng và trải rộng trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, hoạt động TCVM hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề. Một số vướng mắc của các chương trình, dự án vi mô trong quá trình thực hiện Quyết định số 20 như: cơ sở pháp lý để xác định các đơn vị, tổ chức cấp cơ sở của tổ chức chính trị - xã hội có phải là tổ chức chính trị - xã hội để đăng ký chương trình, dự án TCVM theo quy định tại Quyết định số 20; chế tài xử lý khi chương trình, dự án vi mô chưa tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 20...
Do đó cần tổng kết và xem xét lại từ việc triển khai Quyết định 20 có những gì còn phù hợp, chưa phù hợp; cũng như những điều cần bổ sung, bổ khuyết... và phải làm sớm bởi “càng làm sớm thì càng sớm có hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các chương trình, dự án TCVM phát huy vai trò hiệu quả, tăng cường vai trò quản lý nhà nước”.
Mặc dù các tổ chức TCVM chính thức phải tuân theo các quy định và giám sát an toàn của NHNN, nhưng ông Eric Sigwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng cần có một số quy định và yêu cầu giám sát an toàn nhất định cho các chương trình TCVM, đặc biệt là những bên nhận tiền gửi tiết kiệm và đóng vai trò là tổ chức trung gian tài chính.
“Các quy tắc và quy định phải được điều chỉnh phù hợp với các đặc điểm riêng biệt của chương trình TCVM để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa quy định và giám sát thận trọng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đối với chương trình, dự án TCVM”, ông Eric Sigwick chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu đánh giá cao vai trò của TCVM |
Quản lý theo nhóm đối tượng
Kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, bàn bạc, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 20 và chia sẻ những kinh nghiệm, thông lệ tốt của quốc tế trong việc quản lý các chương trình, dự án TCVM trên nhiều góc độ, từ các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương đến cấp cơ sở và từ các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 20.
Nêu lên một số tồn tại, vướng mắc trong triển khai quy định về chương trình, dự án TCVM, bà Quách Tường Vy - Phó Cục trưởng Cục III - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) nhắc tới khó khăn trong xác định tư cách pháp lý của các tổ chức đăng ký; hay với hồ sơ áp dụng cho các chương trình dự án TCVM hoạt động trước Quyết định 20 tuy yêu cầu rất đơn giản, mang tính hỗ trợ nhưng chưa cung cấp đủ thông tin cần thiết để cấp Giấy chứng nhận đăng ký (không có tài liệu chứng minh đã được cơ quan quản lý cho phép, thời hạn thực hiện...).
Cũng theo bà Vy, vướng mắc còn nằm ở chỗ chưa có quy định về việc chuyển đổi đối với chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Điều này có thể hạn chế việc tận dụng nguồn tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật quản lý tốt theo thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuyển từ vốn tài trợ sang đầu tư (góp vốn, cho vay) khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Bà Vy cũng cho biết định hướng quản lý Nhà nước đối với các chương trình, dự án TCVM sẽ quản lý theo 3 nhóm đối tượng: Các chương trình, dự án đang hoạt động nhưng không nhận tiết kiệm tự nguyện; Nhóm đang hoạt động và có nhận biết tiết kiệm tự nguyện; Và nhóm các chương trình, dự án đăng ký mới. Đồng thời sửa đổi, bổ sung, làm rõ các quy định còn bất cập với các chương trình dự án TCVM trên cơ sở nhất quán với quan điểm quản lý.
Việc xác định thời gian hoạt động của chương trình, dự án TCVM trên giấy chứng nhận đăng ký, xác định đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký và chế tài xử lý đối với các chương trình, dự án TCVM chưa thực hiện đăng ký theo quy định... cũng là vướng mắc được đại diện NHNN chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ tại hội thảo.
Trao đổi về kinh nghiệm quốc tế, PGS - TS Lê Thanh Tâm - Chuyên gia tài chính toàn diện ADB chỉ ra kinh nghiệm từ cả thất bại và thành công của một số quốc gia trong quản lý các chương trình, dự án TCVM. Theo bà Tâm, thực tế cho thấy các quốc gia có chương trình dự án TCVM thành công khi áp dụng đầy đủ các thông lệ quốc tế, đồng thời khuyến khích các chương trình TCVM chuyển đổi và chính thức hoá thành các tổ chức chính thức, các mô hình chuyển đổi cũng phải đa dạng.
Bài học rút ra cho Việt Nam, theo chuyên gia tài chính toàn diện ADB thì các chương trình, dự án TCVM phải đăng ký hoạt động với một cơ quan nhất định. Bên cạnh đó cơ quan quản lý ban hành các quy định chung trong hoạt động về các chương trình, dự án TCVM; và cần có các nguyên tắc bảo vệ khách hàng. Các quy định về tổ chức TCVM chính thức cần rõ ràng, khuyến khích đa thành phần, cạnh tranh, phù hợp với đặc trưng TCVM, hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện.
Hiện đã có 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD với mạng lưới 62 chi nhánh tại 23 tỉnh, thành phố. Có 75 chương trình, dự án TCVM đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo Quyết định 20 (tại 35 tỉnh, thành phố). |