Tăng cơ hội cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh
Nhưng Việt Nam chưa xác định đúng vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế. Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò kinh tế của họ là điều quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Đây là thông điệp đưa ra tại Hội thảo "Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam". Hội thảo do Dự án Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV) phối hợp với Đại sứ quán Úc và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 13/1/2017.
Đoàn nữ doanh nhân Việt Nam tham dự Hội nghị phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu 2015 |
Với khái niệm trao quyền kinh tế cho phụ nữ là sự tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và các cơ hội kinh tế, Hội thảo cho rằng cần phải hiểu được các tác động của cải cách kinh tế tới nữ giới để có giải pháp hỗ trợ nữ giới nhằm tận dụng được ưu thế của nữ giới trong tái cơ cấu kinh tế.
Ông Raymond Mallon - cố vấn cao cấp của Dự án RCV nhấn mạnh kết quả nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khi phụ nữ làm việc tốt hơn, nền kinh tế hoạt động tốt hơn. Ông đưa ra những số liệu rất thuyết phục để chứng minh rằng kinh nghiệm quốc tế đang chỉ ra mức độ quan trọng của vấn đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đó là tăng tỷ lệ lao động nữ so với với tỷ lệ nam lao động ở từng quốc gia có thể giúp tăng GDP: tại Mỹ lên 5%, Nhật bản: 9%, United Arab Emirates: 12% và Ai cập: 34%
Trong hơn hai thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhưng mức độ hưởng lợi từ việc cải cách này không đồng đều. Nhóm các DN yếu thế (DNNVV, nhóm các DN do nữ làm chủ hoặc quản lý (sau đây gọi tắt là DN nữ), nhóm các DN sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là nhiều lao động nữ, v.v.) được hưởng lợi ít hơn.
Theo điều tra DNNVV do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, CIEM thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, DN nữ đối mặt với nhiều khó khăn hơn các DN do nam làm chủ. Tính trên quy mô DN, thì trong số DN càng nhỏ, tỷ lệ nữ làm chủ càng lớn, và trên cấp độ quy mô DN lớn hơn thì thấy tỷ lệ DN do nữ làm chủ giảm đi.
Và DN nữ đang gặp khá nhiều khó khăn. Dù tỷ lệ DN có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng, nhưng hơn 55% DN nữ chưa có giấy này, điều này cho thấy phụ nữ gặp phải những rủi ro, bất ổn, khả năng tiếp cận tài chính và các nguồn lực khác còn yếu. Khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của các DN được cải thiện, dễ dàng hơn nhưng các DN nữ vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong vay vốn. Tỷ lệ DN nữ gặp khó khăn này có xu hướng tăng trong khi các DN nam có xu hướng giảm. Tỷ lệ phụ nữ phải trả các chi phí phi chính thức cao hơn nam…
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ là nội dung quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch hành động trong quá trình đánh giá tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam.
Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị để hỗ trợ DN nữ, để phát huy hiệu quả hơn lợi thế và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Trước hết là cần những chính sách hỗ trợ DN nữ tăng quy mô. Nhưng khi quy mô DN tăng, các DN nữ dễ gặp phải các vấn đề khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, những cải cách mạnh mẽ gần đây mới chỉ nhắm tới đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh, cần phải nhắm tới xóa bỏ tất cả các rào cản đối với việc bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần có những hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước về các đầu vào sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, tiếp cận thị trường, vị trí nhà xưởng) cho các DN nữ để họ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cần lồng ghép yếu tố giới trong quá trình xây dựng chính sách nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho DN nữ và việc làm tốt hơn cho phụ nữ, đặc biệt trong khu vực dịch vụ và sản xuất xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN nữ còn gặp phải nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường, bí quyết công nghệ và các kỹ năng kỹ thuật. Vì vậy cần phải có những hỗ trợ tập huấn, đào tạo để giảm bớt các khoảng cách kỹ năng này.
“Tăng cường các cơ hội kinh tế và xã hội cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh”, bà Mai Thị Diệu Huyền, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) phát biểu. Theo bà, việc đưa ra các giải pháp để tạo cơ hội cho phụ nữ được đào tạo và thăng tiến trong DN sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hơn. DN có phụ nữ trong đoàn đàm phán sẽ điềm đạm, tinh tế góp phần thành công trong đàm phán các hợp đồng kinh tế…