Tăng hạn mức cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen
Chiếm lĩnh thị trường tín dụng nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen | |
Quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen | |
Đa dạng kênh dẫn vốn, đẩy lùi nạn tín dụng đen |
Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng |
Bà có thể cho biết, vì sao tín dụng đen vẫn đang tồn tại và có xu hướng tăng trong thời gian qua?
Một thực tế tại các địa phương cho thấy, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại, lý do trước hết là những người có nhu cầu vay tiền cho những hoạt động không được khuyến khích, thậm chí vi phạm pháp luật như cờ bạc, đầu nậu hàng hóa phi pháp… Họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc phải tìm đến tín dụng đen bởi thủ tục rất đơn giản, giao dịch ngầm... Hoạt động cho vay tín dụng đen làm nảy sinh nhiều hệ lụy, khiến tội phạm hình sự gia tăng, gây nguy hiểm mất trật tự an toàn xã hội…
Agribank đã có những giải pháp tín dụng gì để chung tay cùng toàn xã hội đẩy lùi tín dụng đen?
Nhận thức vấn đề này, trong nhiều năm qua, với vai trò là NHTM Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank tích cực triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, đem lại ích lợi tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình này.
Hiện nay, Agribank đang là chủ lực triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”…
Đặc biệt, để tăng cường phục vụ kịp thời vốn cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, Agribank triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Sau 6 tháng triển khai, Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111.000 khách hàng tại địa bàn nông thôn, tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng.
Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập của các hộ gia đình, nông dân ở các vùng nông thôn phụ thuộc yếu tố mùa vụ. Do vậy, nhu cầu vay vốn để đáp ứng yêu cầu chi tiêu sinh hoạt, nhu cầu đời sống là rất hợp lý ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, bên cạnh phục vụ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn với những ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, trong kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm, bao giờ Agribank cũng chủ động dành một tỷ lệ vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu vay phục vụ đời sống sinh hoạt khu vực nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng đã thiết kế các sản phẩm tiện lợi phù hợp với nhu cầu vay sinh hoạt của bà con nông dân như cho vay theo hạn mức, cho vay thấu chi…
Chẳng hạn như sản phẩm cho vay thấu chi là khách hàng được sử dụng vượt số tiền có trên tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn và hạn mức thấu chi tối đa lên tới 50 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng… Với đặc tính nổi bật các sản phẩm cho vay tiêu dùng của Agribank đã thu hút được khá nhiều khách hàng. Hiện, quy mô dư nợ cho vay nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng cũng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn Agribank, trong đó khách hàng hộ sản xuất và cá nhân chiếm tỷ trọng lên tới gần 70%/dư nợ cho vay nền kinh tế. Dư nợ cho vay của Agribank đối với đối tượng khách hàng này có sự tăng trưởng mạnh tại khu vực Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen |
Vậy, Agribank có dự định tăng thêm nguồn vốn cho vay phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn nông thôn không, thưa bà?
Sắp tới, Agribank sẽ tăng thêm trong tỷ trọng cho vay tiêu dùng của ngân hàng theo chỉ đạo của NHNN trong năm 2019, dự kiến là 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục nghiên cứu đưa ra sản phẩm phù hợp hơn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn như với các thủ tục nhanh chóng, đảm bảo thời gian thẩm định cho vay được rút ngắn. Chẳng hạn xem xét cấp hạn mức, mở rộng đối tượng thấu chi qua tài khoản thanh toán không cần đảm bảo bằng tài sản cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ổn định trên địa bàn nông thôn để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân, tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Tôi muốn nói thêm lý do Agribank tích cực đẩy lùi tín dụng đen bởi lẽ, nếu hộ gia đình nào có dư nợ vay, mà chẳng may một thành viên trong gia đình lại đi vay tín dụng đen thì áp lực trả nợ của gia đình họ là rất lớn. Đã có những trường hợp phải dồn mọi nguồn lực trả nợ cho tín dụng đen, và đương nhiên là không thể trả nợ được cho ngân hàng, làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Đó là một nguy cơ rất lớn mà Agribank hay cả hệ hống ngân hàng không thể giải quyết được.
Để khắc phục được vấn nạn này, bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, theo tôi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các cơ quan ban ngành khác. Đơn cử, sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện xã, cơ quan công an trên địa bàn. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cần vào cuộc tích cực hơn để có thể phổ biến đầy đủ thông tin tới các hội viên về tổ vay vốn. Mọi người dân có nhu cầu hãy tìm đến kênh tổ vay vốn để được hướng dẫn tiếp cận vốn một cách chính thức. Về phía chính quyền địa phương, có trách nhiệm phát hiện cảnh báo đối với người dân, đồng thời phải có biện pháp xử lý đối với những đối tượng cố tình lừa đảo người dân.
Ngoài các giải pháp trên, một trong những giải pháp quan trọng nữa đẩy lùi tín dụng đen, đó là tăng cường phổ biến kiến thức giáo dục tài chính cộng đồng, nâng cao nhận thức cho người dân về tài chính ngân hàng, dần thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Từ đó người dân sẽ tỉnh táo, cảnh giác không rơi vào bẫy tín dụng đen.
Xin cảm ơn bà!
Trong tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 120 ngàn tỷ đồng, có tới 73,6% dư nợ của Agribank “nằm” ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. |