Tăng trách nhiệm và minh bạch, cổ phần hóa sẽ thành công
Định giá đúng để tránh mất vốn nhà nước | |
CPH và thoái vốn Nhà nước: Chủ trương đúng, cần cách làm mới | |
CPH chậm, thoái vốn đủng đỉnh, chây ì sẽ bị xử lý |
Trong kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn còn chậm. Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát vướng mắc, tổ chức thực hiện để triển khai sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
CPH tăng, gánh nặng tài chính giảm
Thủ tướng đã nhấn mạnh vấn đề CPH, thoái vốn như vậy vì “đây phải là một trong những giải pháp ưu tiên vào thời điểm này, để nền kinh tế tìm lại đà tăng trưởng cho năm 2018 và các năm tiếp theo”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giải thích.
Thúc đẩy CPH để tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả hơn |
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam vừa công bố hôm 15/8/2017 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng nêu vấn đề đầu tiên được nhắc đến là Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm “xốc lại” quá trình CPH vì đây là nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, một phần do nợ công của Việt Nam ngày một gia tăng, hiện đang gần mức giới hạn do Nhà nước quy định là 65% GDP”. Theo báo cáo này: Chính phủ kỳ vọng tăng cường CPH sẽ dẫn đến tăng thu nhiều hơn và giảm bớt gánh nặng tài chính.
“Chúng tôi tin rằng quá trình CPH DNNN không phải là một giải pháp ngắn hạn để giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ nhưng có thể là một nguồn cấp kinh phí đáng tin cậy thông qua việc tiếp tục cải cách”, bản báo cáo này viết. Khi CPH và thoái vốn được “xốc lại”, số DN CPH và thoái vốn nhiều lên thì khoản thu từ CPH về ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho NSNN.
Như vậy, thoái vốn ít, CPH chậm cũng có nghĩa là thu ngân sách của Việt Nam từ việc thoái vốn các DNNN cũng diễn ra chậm hơn dự kiến. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2017, đã thoái vốn Nhà nước được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng, trong khi dự kiến năm 2017 phải thu được 60.000 tỷ đồng từ hoạt động này. Còn CIEM cũng đã có một nghiên cứu mới đưa ra, trong đó cho rằng “hiện nay Nhà nước quản lý khối tài sản rất lớn với giá trị khoảng 600 tỷ USD. Trong đó, DNNN có tổng tài sản 300 tỷ USD. Bán bớt phần vốn này, Nhà nước sẽ thu về được một khoản để đầu tư”.
Tuy HSBC cho rằng Chính phủ đang xốc lại tiến độ CPH và thoái vốn nhưng báo cáo này cũng nhận định rằng “đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng do việc cải cách DNNN còn rất nhiều thách thức”. Đơn cử, trong giai đoạn 2003 – 2008 Chính phủ đề ra mục tiêu cắt giảm 1.538 DNNN nhưng chỉ làm được 312 DN. Hay mục tiêu năm 2017 sẽ CPH 45 DN, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm mới thực hiện được 6 DN và dự kiến trong cả năm 2017 chỉ CPH được 40/45 DN theo kế hoạch.
Chậm, trì hoãn, tránh rủi ro?
Theo HSBC, nguyên nhân chậm chạp một phần là do nhiều DNNN có quy mô lớn với cơ cấu sở hữu và quản lý phức tạp và thậm chí đôi khi không có báo cáo tài chính và nghĩa vụ nợ rõ ràng. Bên cạnh đó, bản thân các DNNN và các cơ quan hành chính địa phương cũng rất chậm trong triển khai.
Trong khi đó tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ vào tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân chính của sự chậm trễ trên không phải do vướng các quy định của luật hay chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thẳng thắn nói rằng nguyên nhân do có vấn đề “ngại trách nhiệm” và tư tưởng “trông chờ”. Đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh tăng cường chịu trách nhiệm lên. Hiện vẫn có tư tưởng sắp thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước nên chờ đợi, trì hoãn, tránh rủi ro.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần nhìn nhận nguyên nhân chính khiến việc CPH, thoái vốn chậm trễ chủ yếu do chủ quan khi các bộ, ngành và địa phương chưa thật quyết liệt trong chỉ đạo, thoái vốn DNNN. Theo đó, vẫn còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra dẫn đến có những việc thuộc thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết và để cho an toàn thì “đẩy” lên Chính phủ hoặc bộ chuyên ngành. Từ thực tế đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp DN và thoái vốn theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...
Bên cạnh vấn đề trách nhiệm, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) còn có nguyên nhân phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt. Như còn chậm trong hoàn thiện thể chế nên mặc dù các vướng mắc cá biệt đã được xử lý, nhưng DN vẫn cần hệ thống chính sách rõ ràng, thống nhất để tiên liệu được.
Và theo HSBC, để thực hiện được đầy đủ chương trình CPH, Chính phủ cần thêm các biện pháp cải cách bổ sung. Chẳng hạn, cải cách DNNN mới cơ bản tập trung vào việc bán cổ phần thiểu số, trong khi Chính phủ vẫn duy trì kiểm soát đa số. Điều này đã làm cho các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế khả năng tham gia định hình lại các DNNN, tham gia cải cách quản trị DN, hay giúp các DNNN vươn ra cạnh tranh toàn cầu.
Hơn nữa, theo ông Đặng Quyết Tiến, việc công khai các danh mục DN CPH, thoái vốn để tạo áp lực và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu DN, cơ quan có liên quan thông qua giám sát của thị trường, công luận vừa là biện pháp “không mất tiền” để phá sức ỳ không hề nhỏ trong các DN, các bộ, ngành, địa phương hiện nay, vừa là giải pháp hiệu quả của Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.
“Nhìn chung, Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu CPH, đặc biệt khi Việt Nam theo đuổi con đường tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả hơn. Còn quá sớm để kỳ vọng việc thoái vốn các DNNN có thể đem lại cho Chính phủ nguồn thu ngân sách gia tăng đáng kể, nhưng các cuộc cải cách tiếp theo có thể đem lại những lợi ích mà Việt Nam muốn tìm kiếm trong trung hạn”, HSBC nhìn nhận.