Tăng trưởng tín dụng đột phá
Tính đến 20/6, tín dụng tăng 6,2% | |
Nắn dòng tín dụng vào kênh hiệu quả | |
Lượng phải đi đôi với chất |
Tín dụng đổ mạnh vào sản xuất kinh doanh
Trong thông báo mới nhất của NHNN Việt Nam hôm 21/7, tăng trưởng tín dụng toàn Ngành đã đạt 8,16% trong 6 tháng đầu năm 2016 (so với mức tăng trưởng 6,28% của cùng kỳ năm 2015) dư nợ cho vay ra nền kinh tế có mức tăng mạnh.
Đầu tàu kinh tế TP.HCM cũng có mức tăng trưởng tín dụng gần 9% trong 6 tháng đầu năm 2016, đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm 2016 ở mức 7,74%, tương đương với khoảng 476.900 tỷ đồng tổng sản phẩm nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ. Đáng kể nhất là những ngành có mức tăng cao như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị… Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
TP.HCM có đến 76-80% tín dụng đổ vào sản xuất kinh doanh |
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, có đến 76-80% trên tổng dư nợ tín dụng được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tín dụng tăng nhanh trong nửa đầu năm 2016 nhờ các thị trường phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN và các hộ gia đình. Thị trường bất động sản TP.HCM đang có những bước phục hồi nhất định, điển hình hãng tư vấn CBRE cho biết, nguồn cung lên đến 10.107 căn hộ trong quý II năm nay. Có đến 50% trong số này là các căn hộ trung cấp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nhà cũng là một nguyên do thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng tăng trưởng trở lại.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng khoảng 7,5%, tỷ lệ này bám sát mức tăng 7,7% của tăng trưởng dịch vụ và cao hơn mức 5,6% của tăng trưởng nông nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng hiện đang chiếm đến 29,3% trong tổng sản phẩm nội địa của TP.HCM.
Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý trong phát triển hạ tầng TP.HCM trong nửa đầu năm 2016 là việc chính quyền tập trung đầu tư chống ngập và cải thiện vệ sinh môi trường thành phố.
Đơn cử, BIDV cam kết cho vay 8.800 tỷ đồng để CTCP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam thực hiện Dự án giải quyết ngập do thủy triều tại khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Nguồn vốn vay này chiếm đến 89% tổng mức đầu tư dự án được NH giải ngân theo tiến độ, một phần lãi suất DN phải trả cho NH sẽ được thành phố dùng ngân sách hỗ trợ bù lãi suất cho Công ty Trung Nam. Hơn nữa việc đầu tư vốn của chính quyền thành phố vào hạ tầng đô thị khởi động cho giai đoạn 2016-2020 là “vốn mồi” đối ứng mở rộng cho tín dụng NH vào các khu vực này.
Tín dụng tìm vào dự án khuyến khích
Việc sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất cho các DN vay vốn NH thực hiện các dự án chính quyền thành phố khuyến khích lâu nay đã trở thành mô hình điểm của TP.HCM. Theo đó đến nay tổng các chương trình cho vay các dự án kích cầu đã có dư nợ hơn 1.548 tỷ đồng với 16 dự án. Cho vay nhà ở đến cuối tháng 6 vừa qua đạt khoảng 6.600 tỷ đồng với trên một vạn khách hàng được cam kết cho vay nâng tổng hạn mức lên đến 8.063 tỷ đồng.
Trong chương trình cho vay vốn theo 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao của hệ thống NH TP.HCM thời gian qua cũng có mức tăng trưởng cao. Số liệu thống kê đến cuối tháng 6/2016, dư nợ của chương trình này đã đạt 154.246 tỷ đồng, tăng 7,94% so với cuối năm trước.
Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 23.127 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 30.953 tỷ đồng, dư nợ cho vay DNNVV đạt 93.417 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 6.491 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 257 tỷ đồng.
Cùng với đó cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc đầu tư vốn cho các dự án dài hạn đến cuối quý II vừa qua đã lên đến 53.757 tỷ đồng. Chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2016-2017 ở TP.HCM cũng có 10 TCTD tham gia với mức cam kết cho vay là 14.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với chương trình này năm trước đó. Thống kê đến cuối tháng 6/2016, dư nợ cho vay bình ổn thị trường đạt khoảng 726 tỷ đồng, với 13 công ty vay vốn tạo nguồn hàng cho thị trường.
Song, chương trình cho vay các DN trong khu công nghiệp – khu chế xuất đang có những bước đi mới của hệ thống NH trong vài năm gần đây. Tính đến nay dư nợ cho vay đạt khoảng 104.412 tỷ đồng, với 2.800 khách hàng, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt khoảng 69.634 tỷ đồng, 34.778 tỷ đồng dư nợ cho vay trung dài hạn. Chương trình kết nối NH – DN tại TP.HCM từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ cho hơn 4 ngàn DN và hộ sản xuất kinh doanh gần 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Phương án nào lãi suất đó
Tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay xấp xỉ 9% có một yếu tố rất quan trọng. Đó là lãi suất cho vay ngắn hạn quanh mức 7%/năm đối với vay vốn VND trong các chương trình khuyến khích đầu tư. Những cá nhân, DN đầu tư vào các lĩnh vực thành phố khuyến khích còn được bù lãi suất, theo đó đầu tư thủy sản, nông nghiệp công nghệ sinh học… lãi vay thực trả chỉ còn khoảng 1-2%.
Lãi suất NH hiện không phải là vấn đề lớn đối với những công ty đầu tư nông nghiệp sạch làm ăn bài bản. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay với các DN này chính là thị trường có đủ lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh cung ứng hàng hóa có tính liên tục cho thị trường hay không. Thông thường các công ty thường sử dụng vốn theo hình thức nhu cầu hàng hóa thị trường đến đâu đầu tư tới đó. NH cho vay cũng nhìn vào những đơn vị làm thật để định lãi suất thấp nhất có thể, nhưng bù lại tốc độ vòng quay vốn nhanh và hiệu quả.