Tăng trưởng tín dụng xanh: Cơ hội và thách thức
Tìm kiếm cơ hội mới…
Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hoàng Mai, huy động vốn tín dụng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Nhu cầu vốn vào giao thông đường bộ, điện, công nghệ chế tạo… là những lĩnh vực cần vốn lớn và đây là dư địa để các NHTM cung cấp các khoản tín dụng xanh.
Bởi, kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, đối với dự án tăng trưởng xanh thì Nhà nước chỉ đáp ứng được 30% vốn, còn lại là vốn tự có của DN, hoặc huy động trên TTCK, nhất là từ kênh tín dụng NH. Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến. Chiến lược này giúp các TCTD bảo vệ danh mục tín dụng của mình khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới thân thiện với môi trường.
Công nghệ nông nghiệp sạch BIO |
Mặc dù được đánh giá là khá tiềm năng, nhưng tại Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ. Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu chúng ta có những cơ chế chính sách tài chính tín dụng cụ thể sẽ vừa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia vừa giảm thiểu được rủi ro.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này, bà Carola Menzel – chuyên gia cao cấp Trường Tài chính Frankfurt chia sẻ: thách thức mà các nước gặp phải khi triển khai công nghệ ứng dụng xanh là thiếu kinh nghiệm, rủi ro chính sách, thị trường tài chính không hoàn hảo… Và để tìm ra cơ chế phù hợp cho vấn đề này là thách thức không hề nhỏ đối với mỗi quốc gia.
Để tăng tính khả thi cho chương trình tín dụng xanh, theo bà Menzel, sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của các NHTW có vai trò quan trọng. Như tại Indonesia, khi NHTW nước này ban hành chính sách áp đặt đối với các NH phải gia tăng cho vay sản xuất, xem xét yếu tố bảo vệ môi trường đồng thời, họ xây dựng khoản vay ưu đãi, chính sách khuyến khích qua việc ký kết biên bản ghi nhớ các bộ ngành liên quan… Điều này đã giúp Indonesia phát triển tín dụng xanh tương đối tốt.
Cần nhiều cơ chế, chính sách mới
Tại Việt Nam, NHNN cũng đang xây dựng dự thảo định hướng xây dựng, triển khai thí điểm chương trình tín dụng xanh nhằm có một hệ thống cơ chế khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh. Theo định hướng trên, NHTM là lực lượng chính tham gia chương trình này và NHNN có nhiều chính sách ưu tiên đối với các DNNVV với thời hạn, lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn cho vay thông thường của từng loại kỳ hạn từ 1 – 3%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN hỗ trợ các NH trong tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế đã, đang và dự kiến sẽ tài trợ cho các dự án, chương trình thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu như WB, ADB, IFC…
Tuy nhiên, thách thức huy động vốn, tiếp cận trực tiếp đến các quỹ khí hậu quốc tế đối với các dự án tăng trưởng xanh là rất lớn. Theo bà Menzel, các quỹ khí hậu đều đưa ra các quy định chặt chẽ và thách thức lớn nhất. Vì vậy, khi muốn tiếp cận các quỹ này, phải vượt qua được tất cả các quy định bảo đảm về môi trường và xã hội.
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Cát Quang Dương cho biết: NHNN sẽ hỗ trợ các NH trong tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ khí hậu và môi trường. Đặc biệt, đối với việc tiếp cận quỹ khí hậu xanh, NHNN đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có thể hỗ trợ hệ thống NH trong tiếp cận nguồn vốn từ quỹ phục vụ tài trợ các dự án xanh. Đồng thời xây dựng danh mục các dự án cho vay lại đáp ứng các tiêu chuẩn của GCF.
Để triển khai đồng bộ, có kết quả Chỉ thị 03 của Thống đốc, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó giải pháp hoàn thiện khung chính sách để tạo lập môi trường phát triển NH xanh, tín dụng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Cụ thể, ông Hòe đề xuất: NHNN nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung theo hướng ưu tiên nguồn vốn cho phát triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu trái phiếu xanh trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, NHNN nghiên cứu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NH có tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh từ 10%/ tổng dư nợ trở lên, được đánh giá là dư nợ tín dụng xanh. Mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ cao dần, tương ứng tỷ trọng dư nợ tín dụng…
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Hòe, sự phối hợp chính sách của các bộ, ngành liên quan là rất quan trọng. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công Thương cần có ưu đãi về thuế, phí, lệ phí tùy theo hoạt động môi trường; cam kết bảo đảm ổn định giá đầu ra trong nhiều năm cho các dự án sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, phong điện…
Về phía các NH, Phó tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đề xuất: để hỗ trợ khuyến khích các NH tham gia tín dụng xanh, NHNN cần có cơ chế ưu đãi đối với các NHTM trong việc tài trợ các dự án thuộc lĩnh vực xanh thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích các DN quan tâm đến lĩnh vực tăng trưởng xanh…
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Phải làm rõ mục tiêu và tiêu chí mà chương trình hướng đến Xây dựng chương trình tín dụng xanh phải làm rõ mục tiêu và tiêu chí về môi trường và kinh tế xanh mà chương trình hướng đến. Khi xây dựng chương trình thí điểm tín dụng xanh, trước hết cần dựa vào nguồn vốn hiện có để đảm bảo thành công, song song với điều đó, nên thí điểm phối hợp chính sách, chẳng hạn như: chính sách tín dụng của NHNN với chính sách thuế của Bộ Tài chính; hoặc kết hợp nguồn vốn của NH với một số nguồn vốn quốc tế; hoặc sử dụng nguồn vốn quốc tế và của Nhà nước làm đòn bẩy, khuyến khích sự tham gia của vốn tín dụng thương mại và nguồn vốn tư nhân… Tín dụng xanh thường đi kèm với rủi ro cao và chi phí lớn, do đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và NHNN) và các nhà tài trợ, các quỹ quốc tế, ít nhất là thời kỳ đầu. Đối với nguồn vốn lớn của Quỹ khí hậu xanh, việc tiếp cận cần linh hoạt trên cơ sở quản lý thống nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và NHNN, nhất là trong giai đoạn đầu, khi Việt Nam chưa có Tổ chức thực thi quốc gia riêng. Trong thời kỳ này, việc phối hợp chặt chẽ với các Tổ chức thực thi đa phương như KfW, ADB và UNDP là rất cần thiết để có thể nhanh chóng tiếp cận và sử dụng được nguồn vốn của GCF… |