Tăng vốn mở rộng tầm ảnh hưởng?
Tăng vốn để đạt đa mục tiêu | |
Sức ép và hướng đi để tăng vốn | |
Nâng hệ số CAR: Bài toán hóc búa |
Vốn điều lệ là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá quy mô hoạt động của NHTM. Mức vốn điều lệ lớn cho phép ngân hàng tăng quy mô tài sản có, để có thể mở rộng khả năng huy động vốn ngoài xã hội, mở rộng đầu tư, mở rộng mạng lưới hoạt động, đổi mới công nghệ ngân hàng. Theo đó, có thể áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế các quốc gia rất quan tâm đến việc tăng quy mô hoạt động của các NHTM.
Trung Quốc là một điển hình trong việc thực hiện chiến lược đó, hiện quốc gia này có 4 NHTM có quy mô tài sản đứng đầu thế giới như: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) một nhà băng lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản 3.620 tỷ USD, tiếp đến Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) với tổng giá trị tài sản ước tính 2.940 tỷ USD, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đứng thứ ba với tổng giá trị tài sản khổng lồ 2.800 tỷ USD, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) xếp thứ tư với tổng giá trị tài sản 2.630 tỷ USD. Bên cạnh đó các NHTM thuộc những quốc gia khác, những ngân hàng đa quốc gia như HSBC (Anh); JPMorgan Chase, BOA (Mỹ); BNP Paribas, Credit Agricole (Pháp); Mitsubishi UFJ Financial (Nhật Bản)…
Ảnh minh họa |
Xem xét hệ thống ngân hàng Việt Nam nhận thấy, hiện nay các NHTM Nhà nước và Nhà nước có cổ phần chi phối đang là nhóm ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất. Tính đến tháng 5/2017, tổng giá trị tài sản của các NHTM Nhà nước là 4.076.004 tỷ đồng tương đương khoảng 178 tỷ USD, vốn điều lệ khoảng gần 11 tỷ USD. Nhìn vào con số này so với các NHTM lớn nhất thế giới có vẻ như hơi khập khiễng, nhưng cũng cho thấy, các NHTM lớn của Việt Nam quá nhỏ bé, có khoảng cách quá lớn so với các NHTM lớn trên thế giới.
Để có thể hội nhập tốt và chiếm lĩnh được thị trường thế giới, bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng lực quản trị điều hành, chất lượng dịch vụ, giảm nợ xấu… thì việc tăng quy mô vốn điều lệ, tăng quy mô tài sản của các NHTM Nhà nước là vấn đề tối cần thiết. Vì các ngân hàng này đóng vai trò chủ lực về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, đi đầu trong việc áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại…
Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM này là giải pháp chiến lược quan trọng cho việc tái cơ cấu và phát triển hệ thống NHTM Việt Nam những năm tiếp theo. Chính vì vậy tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 (không bao gồm các NHTM Nhà nước mua bắt buộc).
Trong các NHTM Nhà nước việc tập trung tăng vốn cho 3 ngân hàng: BIDV, VietinBank và Vietcombank là bước đi thích hợp cho việc tái cơ cấu và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam cho giai đoạn từ nay đến 2020. Việc tăng vốn này không chỉ để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II, mà còn là điều kiện quan trọng để các NHTM này mở rộng tầm ảnh hưởng đến khu vực và thế giới.