Tăng vốn để đạt đa mục tiêu
Tăng vốn điều lệ: Giờ G đã điểm | |
Nâng hệ số CAR: Bài toán hóc búa | |
Vốn không tăng, khó lớn mạnh |
OCB là NH mới nhất được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên hơn 4.194 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm từ 5% cổ tức chia bằng CP cho các cổ đông trong năm 2016. Kế hoạch tăng vốn của NH trong năm 2017 là 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, NHNN đã đồng ý chủ trương và NH đang trình kế hoạch chi tiết theo đúng quy trình thủ tục tăng vốn.
Việc các NH liên tục công bố kế hoạch cũng như được chấp thuận tăng vốn điều lệ trong thời gian qua được các chuyên gia nhìn nhận là tín hiệu tích cực. Như nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, tăng vốn sẽ giúp các NH thực hiện đa mục tiêu.
Tăng vốn là giải pháp quan trọng giúp NH có thêm nguồn lực kinh doanh |
“Tăng vốn lên không những chỉ tăng về sức mạnh tài chính mà nó sẽ kéo theo rất nhiều lợi ích khác cũng không kém phần quan trọng. Thứ nhất, mở rộng quy mô tín dụng, tạo tính cạnh tranh cho NH. Thứ hai, nếu việc bổ sung vốn từ các NĐT nước ngoài với tỷ lệ sở hữu cao hơn, họ sẵn sàng tham gia không chỉ giúp NH về mặt tài chính mà còn nhiều kinh nghiệm quản trị rủi ro, công nghệ hiện đại, sản phẩm dịch vụ… Hơn thế khi NĐT nước ngoài cam kết đồng hành, chính họ sẽ mang NH Việt Nam vào sâu hơn cộng đồng NH thế giới thay vì chỉ quanh khu vực Đông Nam Á và một số chi nhánh nhỏ ở nước ngoài”, TS. Hiếu lý giải thêm nhận định của mình.
Một số giải pháp được các NH lựa chọn để tăng vốn trong thời gian qua như phát hành CP thưởng, chia cổ tức bằng CP hoặc hạn chế chia cổ tức, tiết giảm chi phí… Thời điểm này, thị trường chứng khoán đang hồi phục nhanh, nhất là giá cổ phiếu NH tăng trưởng khá tốt dù không phải là tất cả nhưng theo nhận định chung, đây cũng là cơ hội để các NH hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn.
Lãnh đạo một NH đang có kế hoạch tăng vốn trong năm nay cũng thừa nhận, tình hình kinh doanh cũng như giá CP NH lạc quan hơn so với dự báo. Giai đoạn trước đây, trong kế hoạch kinh doanh NH ưu tiên tăng vốn, nên giá cả “mềm” hơn. Nhưng thời điểm này giá tốt hơn nên NH đang tính toán lại phương án giá hợp lý, hiệu quả hơn.
Giá CP NH đang khá thuận cho kế hoạch tăng vốn của NH, nhưng theo một CEO NH, mức độ hấp dẫn của CP chỉ ở mức vừa phải nên không phải NH nào cũng có thể tăng vốn thành công qua kênh này. “Kinh doanh ngành NH mới khởi sắc lại 1-2 năm qua, CP NH mới chỉ định hình trở lại trong thời gian gần đây. Nên CP NH mới chỉ khởi sắc chứ không phải quá đến mức NĐT đổ xô vào ngành NH. Mặt khác, việc tăng vội với bất cứ giá nào có thể gây thiệt thòi cho NH, các cổ đông trong tương lai”- ông nhìn nhận.
Nếu chỉ đáp ứng quy định, yêu cầu của NHNN về chỉ số tài chính, hiện tại, khá nhiều NH đáp ứng được trong một hai năm tới. Nhưng trước áp lực áp dụng thông lệ quốc tế cụ thể là Basel II theo chia sẻ của ông Tùng, cần thiết phải thực hiện tăng vốn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II, NH không những đáp ứng vốn theo tổng tài sản hiện hữu, kế hoạch tăng trưởng thông thường mà còn đáp ứng theo nhiều kịch bản kinh doanh có thể diễn ra. Và cho dù trong thời kỳ kinh tế ảm đạm nhất, NH vẫn phải đủ vốn để hoạt động.
Tăng vốn cũng được ghi nhận là giải pháp quan trọng giúp NH có thêm nguồn lực xử lý nợ xấu nhất là Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội bấm nút thông qua. Qua đó, không chỉ giúp các NH phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mà còn để tiếp tục duy trì năng lực cho vay của mình. Tất nhiên, không phải NH nào muốn tăng vốn cũng thực hiện được. Nhất là đối với những NH kinh doanh chưa thực sự khả quan thì càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài các giải pháp truyền thống như phân tích ở trên, hiện tại một số cách thức được nhắc đến nhiều khi đề cập tới câu chuyện tăng vốn của các NH là mở cửa, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các NĐT nước ngoài và các quỹ đầu tư trong nước… Đây là những NĐT lớn rất tiềm năng với nguồn tiền tươi thóc thật quy mô lớn.
Thậm chí theo TS. Hiếu, thời điểm này chỉ có kêu gọi vốn nước ngoài mới giúp các NH tăng vốn được như kỳ vọng đặt ra. Theo các chuyên gia, nới room cho các NĐT nước ngoài là cần thiết nhưng không nên để thị trường chờ đợi quá lâu.
Tuy nhiên một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vẫn bảo lưu quan điểm: cần thận trọng hơn đối với việc nới room cho NĐT nước ngoài. Dù mở nhưng cân nhắc mọi yếu tố để đưa ra cách thức, tỷ lệ % cho phù hợp. Bởi trong điều kiện bình thường mọi thứ vận hành bình thường, nhưng khi khủng hoảng xảy ra, có thể dòng tiền NĐT ngoại tháo chạy, lúc đó hệ thống xoay xở rất vất vả, thậm chí sẽ liên lụy đến cả nền kinh tế. Thực tế này cũng đã diễn ra trên thế giới.