Tạo sản phẩm dịch vụ có dấu ấn riêng
Rút ngắn khoảng cách kỳ vọng | |
Thanh toán không dùng tiền mặt: Thay đổi phải đến từ giải pháp cơ bản | |
Hà Nội: Đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, nhà hàng… có thiết bị chấp nhận thẻ |
Ông Võ Minh |
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chú trọng phát triển. Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương triển khai dịch vụ này khá tốt. Nhân dịp Hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam được tổ chức tại TP. Đà Nẵng (13 và 14/4/2018), Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng.
Ông có thể cho biết việc phát triển cơ sở hạ tầng TTKDTM trên địa bàn trong thời gian qua?
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động TTKDTM của Chính phủ và NHNN Việt Nam, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã triển khai tích cực việc đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thanh toán và cung ứng dịch vụ TTKDTM đa dạng với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Đồng thời, thành phố cũng đã đầu tư triển khai hệ thống mạng wifi miễn phí là cơ sở thuận lợi để các NHTM trên địa bàn triển khai dịch vụ này. Thêm vào đó, hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM liên tục được đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng và triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động thanh toán.
Bên cạnh việc phát triển mạng lưới chi nhánh cấp 1 và phòng giao dịch, các NHTM cũng tích cực phát triển mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM) và điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Số lượng máy ATM đến cuối năm 2017 là 501 máy. Năm 2017, NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cùng các NHTM trên địa bàn tiếp tục triển khai đề án: “Phát triển hệ thống thanh toán qua POS tại các trung tâm mua sắm, du lịch trên địa bàn”. Qua đó nâng số máy POS lên 6.406 máy tăng 1.546 máy so với cuối năm 2016. Thêm vào đó, việc kết nối liên thông ATM, POS giúp mở rộng phạm vi thanh toán thẻ, chủ thẻ có thể rút tiền hay thanh toán tại bất kỳ máy ATM, POS nào trên địa bàn.
Còn việc phát triển thẻ thưa ông?
Song song với việc phát triển mạng lưới ATM, POS, các NHTM trên địa bàn đã phát hành gần 2 triệu thẻ trong đó thẻ ghi nợ nội địa chiếm tỷ trọng lớn. Thẻ ghi nợ nội địa chủ yếu phát hành thông qua việc thực hiện chi trả lương qua tài khoản của các DN và các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cùng với sự gia tăng số lượng máy ATM, POS, số lượt giao dịch và doanh số thanh toán qua ATM, POS tăng mạnh qua các năm. Cuối năm 2017, số giao dịch qua ATM là 16,4 triệu lượt, doanh số thanh toán qua ATM là 43.130 tỷ đồng tăng 160% so với năm 2012. Số món và doanh số thanh toán qua POS tính đến cuối năm 2017 lần lượt là 8,6 triệu lượt và 11.339 tỷ đồng. So với năm 2016, số món giao dịch và doanh số giao dịch qua POS tăng lần lượt 270% và 161%.
Đạt được kết quả như vậy là nhờ các NHTM trên địa bàn liên tục triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá và tiếp thị nhằm tăng số lượng thẻ phát hành, mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) và doanh số thanh toán thẻ. Các chính sách chăm sóc khách hàng đã được áp dụng như chính sách giảm, miễn phí dịch vụ thẻ và các ưu đãi về giá khi thanh toán bằng thẻ, có dịch vụ chăm sóc đặc biệt đối với khách hàng thân thiết như tặng quà sinh nhật, tặng gói bảo hiểm toàn diện, dịch vụ đưa đón tại sân bay miễn phí, chính sách mua hàng trả góp với lãi suất 0% đối với chủ thẻ tín dụng, áp dụng mức thưởng cho ĐVCNT đạt doanh số lớn trong tháng…
Tuy nhiên xét trên toàn địa bàn tỷ lệ TTKDTM vẫn còn thấp, theo ông đâu là những hạn chế?
Trước hết là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân làm cho các NHTM khó khăn trong việc triển khai tiếp thị sản phẩm dịch vụ TTKDTM. Mặt khác, ĐVCNT không muốn triển khai thanh toán qua POS một phần do thói quen thanh toán bằng tiền mặt, nhưng phần lớn do ngại phải trả phí chiết khấu cho các NHTM. Mạng lưới ATM, POS, phòng giao dịch của các NHTM tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố. Hệ thống máy ATM thường xảy ra tình trạng quá tải, nhất là vào các dịp lễ, tết. Một số máy ATM có tình trạng hư hỏng xuống cấp gây khó khăn cho người sử dụng. Đồng thời, việc các NHTM giải quyết các tra soát, khiếu nại chưa kịp thời, làm cho khách hàng không hài lòng và e dè khi sử dụng dịch vụ TTKDTM.
Để đẩy mạnh hoạt động TTKDTM trong thời gian đến, ông có những đề xuất, kiến nghị gì?
Để phát triển hoạt động TTKDTM hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, các DN kinh doanh hàng hoá dịch vụ và hệ thống ngân hàng.
Đối với thành phố nên nghiên cứu sửa đổi thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TTKDTM. Thực hiện vai trò chỉ đạo, tập hợp các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, NHTM, các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động thanh toán qua POS.
Đối với các NHTM cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích khách hàng TTKDTM. Để phát huy hiệu quả hoạt động của máy ATM, POS các NHTM trên địa bàn cần tổ chức lại mạng lưới nhằm nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ. Mỗi địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, con người riêng biệt. Do đó, để các sản phẩm TTKDTM được đón nhận thì các NHTM phải nghiên cứu cụ thể các đặc điểm của địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ có dấu ấn riêng, phù hợp với đặc trưng của địa bàn.
Xin cảm ơn ông!