Tập trung mục tiêu lạm phát 4%
NHNN đã không để chênh lệch lãi suất USD và VND cao, tránh áp lực lên tỷ giá | |
Đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô | |
Điều hành chính sách tiền tệ sẽ thận trọng hơn |
Tuần qua, bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng (và cả dự báo sớm kết quả tình hình kinh tế - xã hội 2018) đã được Tổng cục Thống kê phác thảo với nhiều điểm sáng.
Con số ấn tượng, nhưng không mấy bất ngờ là tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Về tài chính ngân hàng, tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017. Huy động vốn của các TCTD tăng 9,15%; tăng trưởng tín dụng đạt 9,52%. Tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng GDP tiếp tục giữ được đà tăng cho thấy chủ trương kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành Ngân hàng ngày càng phát huy hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,7%); bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Năm 2018, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Cùng với những chỉ tiêu cụ thể trên, Thống đốc cũng yêu cầu toàn Ngành tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD; Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý căn bản nợ xấu; Thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các hệ thống thanh toán…
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc các đơn vị trong toàn Ngành đã triển khai quyết liệt, kịp thời, khẩn trương các nhiệm vụ được giao. Do đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định. Trong bối cảnh các đồng tiền mạnh trên thế giới diễn biến phức tạp nhưng với phương châm điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, theo tín hiệu thị trường, nên từ đầu năm đến nay ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
GDP giữ được đà tăng nhưng mối lo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khó kiểm soát hiện hữu rõ nét hơn. Tháng 9/2018 CPI tăng 0,59% so với tháng trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, diễn biến phức tạp tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những tác động bất lợi đến nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam không chỉ trong những tháng cuối năm mà có thể sang cả năm 2019. Hiện giá dầu quốc tế Brent đã tăng khoảng 28%, có thể kéo theo việc tăng giá các hàng hóa thế giới. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang và diễn biến phức tạp. Sự biến động của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ có tác động không nhỏ các quốc gia, đặc biệt đến nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Việc GDP sớm đạt 6,7% đã giảm gánh nặng cho tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, những tháng cuối năm sức ép lên lạm phát rất lớn, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở 4% sẽ gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, một lần nữa Thống đốc yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD chủ động phân tích đánh giá tình hình để kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay, xử lý nợ xấu cũ, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh…