Tây Nguyên - phân bón giả lộng hành
Khó kiểm soát
Đơn cử, ngày 23/10/2015, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH Sinh thái miền Trung Việt Nam (TP. Pleiku); DN này do ông Phạm Việt Hùng làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, DN không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan để sản xuất phân bón. Công ty TNHH Sinh thái miền Trung Việt Nam sản xuất phân bón (vô cơ, hữu cơ), chế phẩm sinh học trong một thời gian dài và bán ra thị trường một lượng lớn sản phẩm.
Người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm phân bón |
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện gần 20.000 lít, gần 5 tấn sản phẩm và hơn 38 tấn nguyên liệu cùng nhiều bao bì, nhãn mác có tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang gửi mẫu kiểm định chất lượng đối với các sản phẩm phân bón của DN này. Cơ quan chức năng còn phát hiện một số lượng lớn sản phẩm được xếp lên xe chuẩn bị chở đi phân phối tại các đại lý...
Điều quan ngại, nhãn mác của những sản phẩm này ghi đầy đủ các thông số như thành phần, hợp chất, tỷ lệ, cách sử dụng sản phẩm và có chứng nhận của cơ quan chức năng... song DN không đưa ra được bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh, thậm chí, một số thành phần, nguyên liệu được ghi nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thị trường phân bón và các chế phẩm phục vụ nông nghiệp tại Tây Nguyên diễn biến khá phức tạp, có rất nhiều DN và cá nhân tham gia vào thị trường này. Vì thế rất khó kiểm soát, nhiều đối tượng lợi dụng thị trường để trà trộn những sản phẩm phân bón giả, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng, gây tác hại khó lường cho người nông dân.
Vì quá nhiều sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên thị trường khiến người nông dân như lạc vào mê cung, khó để phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Thực tế cho thấy, chỉ riêng trên địa bàn Gia Lai có đến 15 DN sản xuất và hàng trăm cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón. Trong năm qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 4 mẫu sản phẩm sai phạm bị xử phạt với số tiền hơn 700 triệu đồng; xử phạt hơn 30 cơ sở kinh doanh có sai phạm, chủ yếu là sai phạm về nhãn mác hàng hóa.
Cần “siết” ngay từ nhà máy sản xuất…
Trong tháng 10/2015 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Đăk Lăk phát hiện và lập biên bản 9 vụ vi phạm về kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, không có hợp đồng đại lý và tịch thu nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, phạt hành chính gần 40 triệu đồng.
Ví như, tại hộ kinh doanh do bà Đặng Thị Đào (huyện Ea Kar) làm chủ, toàn bộ số hàng gồm 12 can (loại 10 lít) các loại phân bón lá hiệu HQ-204, Quaro-N, Amino KB, Ba Lá, phân hữu cơ Su K’khum, men vi sinh Bio Sun 139… đều quá hạn sử dụng.
Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk đã có 149 lượt thanh, kiểm tra các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy có 43 cửa hàng vi phạm với các hành vi buôn bán trái quy định của pháp luật… đã xử phạt hành chính 42 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước hơn 145 triệu đồng.
Nguyên nhân của việc bùng phát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được cơ quan chức năng các địa phương ghi nhận là do người bán chạy theo lợi nhuận nên cố tình bày bán phân bón giả, kém chất lượng để đánh vào tâm lý ham rẻ của nông dân.
Cùng đó, chất lượng phân bón thường không thể nhận biết bằng mắt thường, dẫn đến người nông dân không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Thêm nữa, nông dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu thông tin ghi trên bao bì sản phẩm như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng… đã vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng gian dối lộng hành.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan chức năng các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như bám sát địa bàn, xây dựng nguồn cung cấp thông tin từ cơ sở, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông.
Song một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk cho rằng, phân bón được làm giả rất tinh vi từ khâu sản xuất đến lưu thông, mua bán, do đó, để giải quyết tận gốc, cần siết chặt kiểm tra chất lượng ngay từ các nhà máy, cơ sở sản xuất mặt hàng này.