Thấm đòn phòng vệ thương mại
Vào những ngày cuối cùng của năm 2013, nhiều DN xuất khẩu lốp cao su xe máy của Việt Nam đã chính thức nhận được phán quyết từ Ban Ngoại thương của Bộ Phát triển Công nghiệp và Ngoại thương Braxin về kết quả điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm của mình.
Các sản phẩm ngành cơ khí cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá
Theo đó, 3 DN là Công ty TNHH Kenda Rubber Việt Nam, Good Time Rubber và Link Fotune Tyre Tube được cho là đều có biên độ bán phá giá 1,8 USD/kg; những DN khác có mức phá giá 7,79 USD/kg. “Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong thời hạn 5 năm”, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông tin thêm về vụ việc.
Trước đó không lâu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã kết luận sơ bộ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam; Ủy ban châu Âu (EC) khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam; Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) thông báo tiến hành rà soát sau 5 năm áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm lò xo không bọc nhập khẩu từ Việt Nam…
Theo các chuyên gia, những vụ kiện chống bán phá giá từ nước nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng về sản lượng, chi phí theo đuổi vụ kiện, lợi nhuận cũng như thị trường đối với các DN sản xuất trực tiếp.
Về lâu dài, kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp còn có tác động không nhỏ đến nền sản xuất công nghiệp trong nước cũng như kim ngạch xuất khẩu chung của quốc gia. Đồng thời, tạo tiền lệ, ấn tượng không tốt đối với hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.
Song đáng nói hơn, nếu nhìn lại danh sách các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp giá liên quan đến DN Việt Nam từ nhiều năm nay thì con số này thực tế đang tăng chứ không giảm. Theo Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết năm 2013, số vụ kiện về phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa Việt Nam ước tính lên đến vài trăm vụ việc.
Đơn cử như sản phẩm máy biến thế “dính” tổng số 52 vụ kiện tại Úc, ống dẫn dầu 51 vụ tại Hoa Kỳ, sợi polyester có 5 vụ tại EU...
Điều này cho thấy, các DN sản xuất trong nước đang rất lơ là với các vụ kiện về phòng vệ thương mại. Một luật sư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho rằng, phần lớn các DN xuất khẩu hàng hóa đều có nhiều năm kinh nghiệm giao thương với nước ngoài nên nếu bảo rằng không am hiểu luật pháp quốc tế chỉ là số ít, còn lại đều do tâm lý chủ quan. Thậm chí, nhiều DN luôn nghĩ rằng, kiện cáo là việc của những DN khác, ngành khác và không liên quan đến hoạt động của DN mình.
Những quan niệm như trên là sai lầm. Bởi khi phán quyết của nước nhập khẩu đã có hiệu lực thì không chỉ những DN liên đới trực tiếp phải chịu trận mà những nhà xuất khẩu cùng loại hàng hóa này cũng sẽ cùng chung số phận.
Một thực tế, trong một vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn, các DN trong nước luôn kêu gọi sự trợ giúp từ Chính phủ về thuế, vốn, lãi suất… nhưng theo Hội đồng tư vấn về Phòng vệ Thương mại, đây cũng là một trong những lý do nước nhập khẩu đưa ra xem xét để áp thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá.
Cụ thể như tháng 11/2013, Hiệp hội các Công ty sản xuất Sợi nhân tạo châu Âu (CIRFS) đã nộp hồ sơ tới EC yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với mặt hàng sợi polyester và hiện nay sản phẩm này đang chịu mức thuế nhập khẩu vào EU là 4%. Lý do mà EC tiến hành điều tra đối với tất cả các chương trình, chính sách mà nguyên đơn cáo buộc là có thể trợ cấp dựa trên rất nhiều những văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô…
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, DN chuyên sản xuất các loại bao bì, túi nhựa xuất khẩu cho biết thêm, không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia vẫn có những chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất của các DN trong nước mình, cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại riêng với hàng hóa nhập khẩu.
Vì vậy, đối với Việt Nam, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thông qua các chương trình cũng cần thực hiện hết sức hợp lý, khéo léo để khi bước ra thương trường quốc tế, những ưu đãi mà các DN nội đang được hưởng không bị biến thành điểm bất lợi để những đối thủ cạnh tranh “săm soi”.
Về vấn đề này, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, thực tế các DN Việt Nam vẫn còn bị động trước phòng vệ thương mại, nhất là việc thiếu thông tin, khác biệt về hệ thống kế toán cũng như các rào cản về ngôn ngữ, pháp lý… Do đó, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp là rất cần thiết, nhằm giúp DN dự báo và nhận biết nguy cơ bị kiện, phương pháp phòng tránh, đồng thời hỗ trợ DN các thông tin về thị trường, luật pháp quốc tế...
Thông qua hệ thống cảnh báo, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cũng có thể theo dõi tình hình xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường và ngành hàng xuất khẩu. Có như vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam mới nâng cao kinh nghiệm, chủ động phòng tránh chứ không để vướng vào các vụ kiện rồi mới xử lý thì hậu quả sẽ khó khắc phục.
Tuyết Anh