Tháng 8/2019: Xuất siêu tháng thứ ba liên tiếp
Xuất khẩu tăng khá: Galaxy Note 10 ghi dấu ấn cho khối FDI
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,34 tỷ USD, giảm 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,16 tỷ USD, tăng 12,4%.
Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu than đá tăng tới 103,6%; điện thoại và linh kiện tăng 37,8%, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Glaxy Note 10; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%...
Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 52,04 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, chiếm 69,4% (tỷ trọng giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Tính đến nay, đã có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%).
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,3%; hàng dệt may đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 12 tỷ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,3 tỷ USD, tăng 5,8%...
Trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%; thị trường ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,6%; Nhật Bản đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,9%; Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 5,3%...
Nhập khẩu giảm: Hàng Trung Quốc “đổ vào” Việt Nam
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,3 tỷ USD, giảm 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,5 tỷ USD, tăng 1,6%.
Đáng chú ý, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 620,4%; than đá tăng 102,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 70,43 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.
Trong 8 tháng có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,6%).
Trong đó, một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 33,6 tỷ USD (chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 21%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24 tỷ USD, tăng 12,9%; vải đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,8%; ô tô đạt 4,9 tỷ USD, tăng 60,3%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 8 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng đáng chú ý là tốc độ tăng rất lớn, với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Với các thị trường khác, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 31 tỷ USD, giảm 0,3%; thị trường ASEAN đạt 21,6 tỷ USD, tăng 4,6%; Nhật Bản đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,6%; thị trường EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 11,8%; Hoa Kỳ đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%.
Cán cân thương mại: Thặng dư tích cực
Tháng 8/2019 ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Trước đó, tháng Sáu ghi nhận xuất siêu 1,93 tỷ USD và tháng Bảy xuất siêu 43 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỷ USD, với thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ước tính đạt 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn nhập khẩu (7,3% so với 8,5%) nên thặng dư cán cân thương mại 8 tháng năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2018 đạt 4,9 tỷ USD).
Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).
Đóng góp vào mức thặng dư thương mại hàng hóa 8 tháng, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.