Thanh khoản dồi dào, lãi suất ổn định
Nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất giảm | |
Thanh khoản vẫn duy trì trạng thái tích cực trong một vài tuần tới | |
Thanh khoản dồi dào, lãi suất vẫn chịu áp lực đáng kể |
Vài tuần trở lại đây, một số NHTM tăng lãi suất huy động (LSHĐ), như Viet Capital Bank thông báo lãi suất tiền gửi với mức cao nhất lên tới 7,7%/năm, kể từ ngày 14/6 dành cho các sản phẩm tiền gửi thường, tiền gửi online và tiết kiệm 39+ ưu việt. Ở sản phẩm tiết kiệm thường, kỳ hạn 13 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi suất lên tới 7,5%/năm. Với sản phẩm tiết kiệm 39+ ưu việt đối với khách hàng từ 39 tuổi trở lên với kỳ hạn 13 tháng lãnh lãi cuối kỳ, lãi suất được cộng thêm đến 0,2%/năm so với gửi tiết kiệm thông thường. NH này cũng có hình thức ưu đãi cho khách hàng gửi tiết kiệm online thông qua ứng dụng Viet Capital Mobile Banking hoặc Viet Capital Internet Banking qua việc cộng thêm từ 0,05%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường.
Hiện thanh khoản của hệ thống khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm |
TPBank có sản phẩm “Tiết kiệm tài lộc” đã có thêm các kỳ hạn dài 15 - 18 - 24 - 36 tháng với mức lãi suất cao hơn các kỳ hạn thường. Kỳ hạn 37 tháng cho gói sản phẩm này có mức lãi suất là 7,9%/năm. Trong biểu lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng với lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1% lên 5,5%/năm. Hay như tại Eximbank những khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng nhận mức lãi suất là 4,6%/năm. Nếu khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi tiền nhanh tay, nhận quà như ý” lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm. Hiện LSHĐ cao nhất cho kỳ hạn 36 tháng ở NH này là 7,5%/năm...
Như vậy có thể thấy thực tế vẫn có NH tăng LSHĐ nhưng để hưởng mức lãi suất cao khách hàng thường phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Một khi khách hàng đã đồng ý các điều khoản để được hưởng LSHĐ cao thì không thể rút tiền trước hạn, phá vỡ thỏa thuận.
Trường hợp của khách hàng H ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là ví dụ. Khách hàng này đã tham gia chương trình tiết kiệm dự thưởng và đồng ý thỏa thuận với NH, được đóng dấu đỏ trên sổ tiết kiệm: Không rút trước hạn. Thế nhưng, ít lâu sau đó bà H lại cần rút tiền để mua nhà. Trường hợp này, NH chỉ có thể cho bà H vay thế chấp bằng chính sổ tiết kiệm dự thưởng. Thế nhưng mức chênh lệch 2% giữa lãi suất vay cầm cố và lãi suất tiết kiệm được hưởng của khoản vay lên đến tiền tỷ khiến khách hàng không khỏi xót ruột.
Nhìn chung, hầu hết NH đang đưa ra những sản phẩm huy động nhằm thu hút khách hàng gửi kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Theo số liệu tổng hợp của NHNN nhìn chung LSHĐ với VND tương đối ổn định. Phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Thanh khoản NH tốt nên lãi suất bình quân trên thị trường liên NH đã liên tục giảm từ tháng 5/2016.
Mặt bằng LSHĐ vẫn ổn định, cộng thêm xu hướng giảm của lãi suất liên NH, thanh khoản hệ thống tương đối tốt thì việc LSHĐ tăng có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giảm lãi suất cho vay (LSCV) chưa thật rõ ràng. Đó là nhận định của chuyên gia trước những lo ngại về chuyện đẩy LSHĐ lên sẽ đồng thời khiến LSCV khó giảm. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trước tác động từ sự kiện Brexit thì việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 7/2016 sẽ ít xảy ra. Trong cuộc họp vào ngày 14 và 15/6, cơ quan này cũng đã hạ triển vọng tăng lãi suất trong thời gian tới trước tình hình kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo một NHTM cũng cho biết, việc có một số NHTM tăng LSHĐ cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường. Vì thực tế hiện nay thanh khoản của hệ thống khá dồi dào, mặt bằng LSCV bằng VND vẫn giữ ở mức ổn định. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị: nỗi lo về LSCV, tỷ giá là nỗi lo thường trực của thị trường. LSCV không đáng lo ngại ở thời điểm này, cũng không có nghĩa là được chủ quan trong bối cảnh lạm phát có khả năng cao hơn năm 2015. Thêm nữa, nhu cầu tín dụng càng về những tháng cuối năm sẽ càng tăng cao nên lãi suất chắc chắn sẽ có áp lực nhất định.