Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng vững
Trạng thái thanh khoản hệ thống NH tốt, tạo bệ phóng vững chắc cho tín dụng tăng tốc | |
Thanh khoản dồi dào, lãi suất ổn định | |
Thanh khoản dồi dào, ngân hàng sử dụng vốn linh hoạt |
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức chỉ còn vài nghìn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức cao điểm hơn 170 nghìn tỷ đồng hồi gần cuối tháng 1/2017. Bên cạnh đó lãi suất trên thị trường liên NH điều chỉnh giảm liên tục. Theo nhận định của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, diễn biến trên cho thấy thanh khoản của hệ thống NH đang khá dồi dào.
Tuy nhiên, lãi suất huy động trên thị trường 1 đang có dấu hiệu tăng tại một số NH, thưa ông?
Lâu nay chúng ta hay có suy nghĩ là NH tăng lãi suất đẩy mạnh huy động vốn là thanh khoản có dấu hiệu căng. Nhưng quan điểm này tôi nghĩ không phù hợp nữa với cách thức điều hành, kiểm soát của NHNN như hiện nay. Mọi chính sách được cơ quan quản lý ban hành rất rõ ràng và lượng hóa các con số chỉ tiêu, nhất là chỉ số tài chính yêu cầu các NH phải có trách nhiệm tuân thủ rất nghiêm túc dù cho yêu cầu đó được đánh giá là khó khăn. Bởi các NH nhận thức rõ một điều, yêu cầu của NHNN nếu tuân thủ nghiêm túc, cả hệ thống sẽ hoạt động an toàn bền vững. Theo quan điểm của tôi, việc tăng lãi suất huy động tập trung kỳ hạn dài vừa qua của các NH chủ yếu là để cấu trúc lại nguồn vốn.
Ông có thể nói rõ hơn về động thái này?
Qua số liệu Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép cũng như rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống NH.
Điều đó cũng nói lên thực tế, cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế rất cao. Khi nền kinh tế hồi phục, DN nhìn thấy cơ hội kinh doanh nên muốn mở rộng đầu tư sản xuất. Thường để đầu tư máy móc sản xuất cần phải có vốn trung, dài hạn. Hiện tại, kênh huy động vốn của DN ngoài NH thì có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu… nhưng ngay cả các DN lớn việc huy động kênh này cũng đang gặp nhiều khó khăn thì đối với DNNVV gần như không có cửa. DN vẫn phải gõ cửa để vay vốn NH.
Xét ở góc độ hiệu quả kinh tế nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng. Muốn kinh tế phát triển bền vững phải đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng, năng lực kinh doanh của DN. Đó chính là hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại… để tăng giá trị các ngành sản xuất còn nếu tiếp tục phương thức sản xuất như hiện nay phát triển kinh doanh không bền vững.
Đơn cử, như ngành lúa gạo của Việt Nam đang chịu hậu quả chạy theo số lượng mà quên mất chất lượng. Giờ sản xuất nhiều, giá thấp nhưng không xuất khẩu được. Ngay cả những thị trường dễ tính họ cũng không mua. Để nâng cao chất lượng gạo phải thay đổi từ phương thức sản xuất, cây giống… mà muốn làm được thì phải đầu tư công nghệ, máy móc và quay đi quay lại vẫn là phải cần có vốn trung, dài hạn. Vấn đề ở chỗ nguồn cung vốn trung, dài hạn của NH cũng có hạn. Mà nếu NH đồng loạt hạn chế cho vay trung, dài hạn thì ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế Việt Nam.
Đầu ra vẫn phải giữ thì các NH buộc phải điều chỉnh đầu vào để bảo đảm chỉ số an toàn tài chính. Do đó NH phải nâng lãi suất để cấu trúc lại nguồn vốn để có nhiều nguồn vốn dài hạn hơn chứ không phải các NH khó khăn về thanh khoản. Tất nhiên, không loại trừ có một vài NH gặp khó khăn về thanh khoản. Nhưng tôi chắc rằng, những NH này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không gây ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống.
Tôi cũng hiểu những lo lắng trên không phải không có căn cứ. Trước đây, các NH lo các nhiệm vụ kinh doanh như huy động, cho vay thật cao để thu được lợi nhuận lớn rồi mới tính đến nâng cao các chỉ số an toàn, áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II. Nên cũng có những NH không lường hết được rủi ro phát sinh, khó khăn thanh khoản.
Nhưng hiện tại với áp lực từ trong nước, cụ thể về phía cơ quan quản lý là NHNN và cả từ bên ngoài khi độ mở nền kinh tế mạnh hơn, các rủi ro không thuần túy ở trong quốc gia mà là toàn cầu. Những rủi ro được chuyển giao từ các quốc gia khác sẽ vào đến Việt Nam. Do đó, phòng thủ thanh khoản luôn được NH đặt lên hàng đầu. Với hướng đi như hiện nay, các NH cấu trúc lại nguồn vốn, đảm bảo chỉ số an toàn hoạt động theo yêu cầu NHNN, tôi cho rằng thanh khoản của hệ thống NH sẽ rất vững.
Việc tăng lãi suất huy động liệu có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay?
Tôi nghĩ rằng, việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn trung, dài hạn sẽ không tác động nhiều đến lãi suất cho vay. Vì trong kinh doanh, các NH được phép thực hiện biện pháp kỹ thuật ghép kỳ hạn. Nếu không thực hiện ghép kỳ hạn thì chắc chắn khách hàng không thể chịu được lãi suất cho vay. Ví như, có khoản vay 20 năm, nếu NH cho vay bằng nguồn vốn huy động thì các DN không thể chịu được vì lãi suất rất cao. Đây là đặc thù của ngành NH không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!