Thanh long được giá, người trồng phấn khởi
Australia đồng ý về nguyên tắc nhập khẩu thanh long | |
Duy nhất Việt Nam xuất khẩu thanh long sang New Zealand |
Một chủ vườn ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam vừa thu hoạch xong lứa thanh long, rồi xuất bán cho các tiểu thương cho biết, năm nay được mùa nên 500 trụ thanh long trong vườn cho trái rất nhiều. Cứ mỗi trụ cho ra khoảng 30 trái. Gần 8 tấn thanh long thu hoạch bán với giá 22 nghìn đồng/kg, đã thu về hơn 170 triệu đồng. Nếu trừ hết tiền điện, phân bón, công chăm sóc... gia đình vẫn lãi ròng hơn 130 triệu đồng.
Giá thanh long trên thị trường đang tăng cao |
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Trang ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, dù giá cao như vậy, song trên thực tế có rất ít hộ trồng thanh long đáp ứng được về số lượng và chất lượng.
Theo lý giải từ các thương lái thu mua thanh long trên địa bàn Bình Thuận, nguyên nhân chính khiến giá thanh long tăng cao như trong thời gian qua, do nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Trung Quốc tăng mạnh vào dịp Tết Trung thu. Ở bên kia cửa khẩu báo về vựa giá cao, tức thì các vựa và lái đi mua vườn ở Bình Thuận cũng nhích giá lên cao theo quy luật cung cầu. Giá cao không chỉ người trồng phấn khởi mà các thương lái cũng vui lây.
Trên thực tế, những năm gần đây, cứ gần đến dịp tết Trung thu hay tết Nguyên đán, giá thanh long ở Bình Thuận cũng như những địa phương khác thường nhích lên, do nhu cầu của thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 32 tỉnh, thành trồng cây thanh long. Tuy nhiên, trong đó Bình Thuận đang là “thủ phủ” trồng loại cây này. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh đang có khoảng 28 nghìn ha trồng thanh long. Tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình với sản lượng hơn 500 nghìn tấn/năm.
Đặc biệt, Bình Thuận cũng có 9,5 nghìn ha thanh long được chứng nhận VietGap, 300 ha chứng nhận GlobalGap với 54 doanh nghiệp và cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Cũng như những địa phương trồng thanh long ở các nước bên cạnh vụ sản xuất chính vào đầu mùa mưa, nông dân Bình Thuận còn sản xuất nghịch vụ trong thời điểm sau đó bằng phương pháp chong đèn.
Đến nay, thanh long Bình Thuận cũng đã xuất khẩu vào 12 quốc gia. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Australia, Ấn Độ hay Hàn Quốc…
Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cũng như một số địa phương khác không hẳn thuận lợi. Bởi thị trường chủ lực là Trung Quốc có tính ổn định không cao, giá cả thường xuyên biến động mạnh. Có những thời điểm người dân thu hoạch đồng loạt, nguồn cung tăng lên.
Trong khi, thị trường nhập khẩu lại nhập vào với số lượng nhỏ giọt. Điều này, khiến một số lượng lớn thanh long dồn ứ ở các cửa khẩu. Điều đáng nói, quả thanh long tươi không dễ bảo quản được lâu, chỉ từ 20 đến 22 ngày, sau đó nếu không được sử dụng hay sơ chế sẽ bị hư, thối phải đổ bỏ...
Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào biến động thị trường, tìm đầu ra ổn định cho quả thanh long, những năm gần đây tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh chế biến nhiều sản phẩm từ loại quả này. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng chục cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long. Các sản phẩm chính là thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép hay rượu vang thanh long...
Trong đó, thanh long sấy khô đang được nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Sản phẩm này của Bình Thuận hiện đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước và còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như, Anh, Mỹ, Hàn Quốc...
Mặt khác, tại Bình Thuận còn có hợp tác xã dùng thanh long làm nguyên liệu để sản xuất rượu vang xuất ngoại. Khoảng 10 kg thanh long tươi sẽ được 3 lít rượu vang. Với mức giá khoảng 120 nghìn đồng/lít, rượu vang thanh long đỏ và rượu vang thanh long trắng của địa phương cũng đã và đang được nhiều “thượng đế” cả trong lẫn ngoài nước ưa chuộng.
Ngoài ra, thanh long còn chế biến thành nước ép, nước lên men để giải khát... Tỉnh Bình Thuận vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực cả về vốn, kỹ thuật xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long, đưa loại quả này tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của địa phương.