Thanh toán di động: Ngôi sao mới của ngành tài chính
Thanh toán điện tử Việt Nam tăng 8% | |
Phát triển dịch vụ công: Có công ngân hàng | |
NHNN khuyến khích các NHTM đầu tư hạ tầng, phát triển thanh toán điện tử |
Từ tiềm năng...
Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người với phần lớn là người trẻ, khoảng một nửa dân số Việt Nam được tiếp xúc nhiều với Internet và đến 70% dân số sử dụng smartphone. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển, trong đó có Việt Nam nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng.
Đây là cơ hội cho nhiều DN hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này. Bên cạnh đó, có thể thấy tương lai khá sáng sủa cho Fintech Việt Nam, do tại đây còn nhiều ngân hàng bán lẻ với rất nhiều thủ tục giấy tờ.
NH và người tiêu dùng thu hẹp khoảng cách thông qua các công cụ tài chính hỗ trợ |
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, đây là những lý do chính khiến các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một thị trường Fintech đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Tính đến năm ngoái, đã có khoảng hơn 30 công ty Fintech ở Việt Nam, và 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán di động khi mà lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ.
Phần lớn các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý đầu tư trên thế giới có dự định tăng cường hợp tác với các DN Fintech trong 3 đến 5 năm tới. Đây là nhận định từ nghiên cứu mới nhất của PwC với tựa đề “Vẽ lại ranh giới: Ảnh hưởng ngày càng lớn của Fintech lên ngành dịch vụ tài chính”. Theo 80% người trả lời, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ tiếp tục là tâm điểm bị ảnh hưởng trong 5 năm tới. Đồng thời, các ngân hàng cho rằng lĩnh vực cho vay cá nhân (64%) và tài chính cá nhân (50%) có nhiều nguy cơ rơi vào tay các Fintech hơn cả.
Theo đó, để giữ chân khách hàng, các ngân hàng sẽ phải tập trung vào thiết kế sản phẩm, sự tiện dụng, khả năng tiếp cận dịch vụ 24/7 và tốc độ dịch vụ. Cũng theo khảo sát của PwC, hiện nay, các ngân hàng cũng đang khám phá các công nghệ mới như blockchain (sổ cái phân tán). Gần 1/3 người trả lời cho biết họ đang ở những giai đoạn đầu tiên trong việc đánh giá chiến lược và các đối tác tiềm năng để ứng dụng công nghệ blockchain.
Với phần lớn người tham gia khảo sát coi chuyển tiền và thanh toán là những lĩnh vực khách hàng đã và đang giao dịch với Fintech, 73% các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán vẫn cho rằng một phần hoạt động kinh doanh của mình đang bị các Fintech đe dọa, nhưng con số này thấp hơn tỷ lệ 87% trong cuộc khảo sát năm ngoái. Điều này phản ánh thực tế rằng các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đang coi Fintech như cơ hội hơn là thách thức, đặc biệt là khi tỷ lệ hợp tác với các công ty Fintech đã tăng lên mức 42% (cao hơn mức 35% năm ngoái).
Đến hiện thực
Trên thực tế, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền di động đang trở thành cánh cổng để tiếp cận một bộ phận dân số chưa giao dịch với ngân hàng. Điều này lý giải vì sao thị trường xuất hiện dự báo rằng công nghệ di động sẽ giúp nhiều khách hàng mới tiếp cận các dịch vụ tài chính và mở ra một thị trường mới có tổng giá trị tới 3.000 tỷ USD cho lĩnh vực thanh toán toàn cầu.
Tương tự, theo số liệu khảo sát của Momo dựa trên các báo cáo của Liên hợp quốc và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tại Việt Nam, thị trường chuyển tiền (với các khoản tiền nhỏ dưới 5 triệu đồng) sẽ có thể lên tới 35 tỷ USD.
Trong khi đó, theo NHNN, sau 8 năm cấp phép, đến nay, thị trường đã có những thương hiệu ghi dấu ấn trong lĩnh vực Fintech như Momo, Mobivi, Payoo, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT EPay, Ngân Lượng và ECPay. Mỗi đơn vị trung gian thanh toán này đã dần định hướng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể của họ với các đặc trưng và lợi thế riêng.
Trong đó, Momo hướng đến mục tiêu có 11.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Payoo (VietUnion) hiện có gần 5.000 điểm thanh toán trên toàn quốc, bắt đầu mở rộng liên kết với các DN kinh doanh nhà xe, du lịch để đa dạng dịch vụ. Năm ngoái, tổng doanh thu điện nước, truyền hình cáp ở các thành phố lớn của Payoo là 1 tỷ USD, chiếm khoảng 10% thị phần.
Ngoài ra, thị trường này cũng thu hút những DN internet khác nhằm tận dụng số lượng người dùng sẵn có. Cuối tháng 12 năm ngoái, ví điện tử ZaloPay của Zion, công ty con của VNG, cũng ra mắt thị trường dù đơn vị này đã có cổng thanh toán 123pay. Được tích hợp với cộng đồng 70 triệu người dùng của ứng dụng chat Zalo, có thể thấy ZaloPay đang đi theo con đường mà cổ đông Tencent của VNG đã mở ra tại Trung Quốc với WeChat Pay.
Năm ngoái, chi nhánh tại Việt Nam của Garena là Vietnam eSports đã cho ra mắt ví điện tử TopPay. Theo tuyên bố của TopPay, dịch vụ này đã có trên 20.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và hiện số lượt tải về TopPay trên Play Store đã vượt ngưỡng 100.000. Trong khi đó, Grab đang ráo riết chạy khuyến mãi trên toàn Đông Nam Á để thu hút thêm người dùng cho dịch vụ thanh toán GrabPay, nhằm tận dụng con số 27 triệu người dùng đang có.
Sau khi Lazada được Alibaba mua lại hồi tháng 4/2016, kênh thanh toán riêng HelloPay được sáp nhập vào hệ thống AliPay của Alibaba, tạo điều kiện cho dịch vụ thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc (400 triệu người dùng) tiến vào Đông Nam Á.
Nói như ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc, phụ trách Dịch vụ Tư vấn CNTT của PwC Việt Nam, có thể thấy NHNN Việt Nam đã có hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển của Fintech trong 5 năm qua, cụ thể là thông qua việc cấp giấy phép cho khoảng 20 tổ chức không phải là ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Do đó, ông Dũng dự đoán NHNN sẽ có những động thái cởi mở hơn nữa bằng việc cho thí điểm những dịch vụ Fintech mới như một số nước trên thế giới nhằm kích thích sự tăng trưởng của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông cũng không khuyến khích các công ty Fintech có những nỗ lực phát triển quá tham vọng khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này. Do vậy, các công ty cần chủ động trao đổi các khía cạnh đáng lưu tâm với các cơ quan lập pháp để hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường và xây dựng các quy định pháp lý phù hợp hơn, thu hút được nhiều hơn người tiêu dùng…