Thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương: Bài 2: Cần sự nỗ lực hơn nữa
Thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương: Bài 1: Những tín hiệu lạc quan |
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình |
Trở ngại từ…. thói quen
Trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu “Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020”.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây, hiện chỉ có 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Lý giải điều này, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam phân tích: “Đối với những vùng khó khăn như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn".
Chị Nguyễn Thị Mai (Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: Mặc dù, các ngân hàng có nhiều dịch vụ thanh toán bằng thẻ, không phải dùng tiền mặt rất thuận tiện, còn được ngân hàng ưu đãi hỗ trợ giá... nhưng tôi đã quen với việc mua sắm bằng tiền mặt. Thói quen này khó mà thay đổi được trong thời gian ngắn, vì tôi cũng như mọi người dân khác đều hay mua hàng ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa tổng hợp... nơi rất ít khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, dựa vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần một lộ trình hợp lý và phù hợp hơn. Theo thầy Nguyễn Văn Chỉnh, Hiệu trưởng Hiệu trưởng trường THPT Phan Liêm, chia sẻ: Tại Bến Tre, không phải học sinh, phụ huynh nào cũng có tài khoản ngân hàng, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn khó. Nếu đồng loạt các trường triển khai hình thức thanh toán này, các ngân hàng tại địa bàn có thể gặp trường hợp quá tải. Theo tôi đề xuất nên thu học phí qua Ngân hàng theo lộ trình để có thời gian cho học sinh và phụ huynh chuẩn bị.
Phát triển dịch vụ song hành cùng đẩy mạnh tuyên truyền
Cũng có ý kiến cho rằng, mật độ phát triển mạng lưới của các ngân hàng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn ít cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ: Cũng rất khó có thể trách vì đơn giản ngân hàng cũng là doanh nghiệp, với mục tiêu đầu tiên là phải kinh doanh có lãi. Trong khi đó, nếu phát triển mạng lưới về các vùng xa xôi, ngân hàng sẽ vấp phải thách thức tất yếu là chi phí cao và lợi nhuận thấp.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện thực hiện trên nền tảng công nghệ chứ không quá phụ thuộc vào sự hiện diện của các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, trang bị hệ thống máy ATM, POS cũng cần được quan tâm hơn nữa. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết được những tiện lợi khi không dùng tiền mặt.
Đơn cử như thời gian qua NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo từng đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng, chuyển khoản qua thẻ ATM, thanh toán qua POS, các dịch vụ thu hộ, chi hộ cho các tổ chức kinh tế và cá nhân.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát dịch vụ trả lương qua tài khoản đối với tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trên địa bàn; tăng cường đầu tư, lắp đặt các thiết bị giám sát, nâng cao tính bảo mật cho khách hàng; nâng cao chất lượng hoạt động máy ATM, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán liên thông qua máy ATM giữa các ngân hàng.
Như vậy, để đạt được những kỳ vọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, thì vẫn còn cần một lộ trình rất dài và hợp lý để giải quyết từng bước những khó khăn mà mỗi địa phương gặp phải. Nhưng trên hết, vẫn là nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, tiếp đó mới tiến tới hỗ trợ người dân thay đổi hành vi.