Thay đổi để đạt mục tiêu kép
Gói tín dụng 30.000 tỷ: Tiếp tục giải ngân các hợp đồng đã ký trước 31/3/2016 | |
Sửa Thông tư 36: Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình | |
Để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế |
NHNN ban hành hai Thông tư quan trọng: Thông tư 06 sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và Thông tư 07 sửa đổi bổ sung Thông tư 24, NHNN tiếp tục cho phép DN xuất khẩu được vay trở lại vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ 1/4/2016 vừa qua…
Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định mới của NHNN khá linh hoạt, đồng thời bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Phóng viên Thời báo Ngân hàng trích dẫn ý kiến đánh giá của các chuyên gia, DN xoay quanh những chính sách trên.
NHNN đã cho DN tiếp cận trở lại nguồn vốn ngoại tệ |
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển DN (BDI) - TS. Lê Xuân Nghĩa
NHNN đang có bước đi chính sách tích cực
NHNN đang có bước đi rất tích cực thông qua chính sách mới là Thông tư 06, Thông tư 07. Nhất là tại Thông tư 07, NHNN đã cho DN tiếp cận trở lại nguồn vốn ngoại tệ. Đây cũng là đề xuất của chúng tôi đối với NHNN không nên đi quá nhanh trong lộ trình chống đô la hóa. Việc cho vay ngoại tệ cần tuân thủ quy định NHNN hiện nay. Ví dụ, DN có quyền vay ngoại tệ NHTM nếu có nhu cầu. Còn các NHTM có quyền cho vay và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ đấy.
Tôi cho rằng, mức độ can thiệp của NHNN đối với cho vay ngoại tệ không nhất thiết phải làm quá khắt khe như kiểm soát từng món vay, từng lần vay. NHNN cần dùng các biện pháp gián tiếp hơn như tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM hoặc là kiểm soát việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ khiến cho ngoại tệ trở thành luồng vốn được huy động và cho vay một cách bình thường và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Đây là hỗ trợ lớn nhất cho DN xuất khẩu trong giai đoạn hiện tại.
Theo tôi, chúng ta nên bình thường hóa quan hệ tín dụng ngoại tệ như lâu nay vẫn làm, không nên đưa ra bất cứ hạn chế nào theo hướng làm cho nguồn lực này trở nên bị méo mó. Khi đó sẽ xảy ra hiện tượng lách vào các kênh tín dụng khác không cần thiết. Và nhất là sắp tới đây khi tham gia vào TPP.
TS. Cấn Văn Lực |
Chuyên gia NH - TS. Cấn Văn Lực
Kỳ vọng lạm phát năm nay có thể đạt được quanh mức 5%
Kinh tế Việt Nam trong 5 tháng qua có một số khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực nông sản, nông nghiệp và xuất khẩu do năm nay có nhiều biến cố về biến đổi khí hậu, môi trường, ô nhiễm đã xảy ra. Trong bối cảnh đó rõ ràng cần có biện pháp tháo gỡ.
Tôi nghĩ rằng Thông tư 06, 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của DN, thị trường và cả của các TCTD. Với Thông tư 07, sự gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ đã góp phần hỗ trợ cho các DN đặc biệt là xuất khẩu, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đỡ khó khăn. Đồng thời góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ quyết tâm đạt được.
Nhưng hai Thông tư này liệu có gây áp lực lên lạm phát. Tôi nghĩ rằng hai Thông tư này nằm trong khuôn khổ của Chỉ thị 04 của NHNN cũng như là Nghị quyết của Chính phủ trước đây. Tức là trong bối cảnh nào chúng ta cũng phải hết sức quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đối với hai Thông tư trên chúng ta cũng không đáng lo ngại. Thứ nhất bởi vì tăng trưởng tín dụng có khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục được nắn mạch đến dòng ưu tiên.
Song song, NHNN và Chính phủ kiểm soát cho vay chặt chẽ đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, các dự án BOT… Thứ hai, tổng lượng cho vay ngoại tệ của hệ thống tài chính NH đã tung ra cho nền kinh tế khoảng 10%/tổng dư nợ. Nếu như hỗ trợ xuất khẩu thì rõ ràng nó chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tổng dư nợ. Xét về con số không phải là quá nhiều nhưng sức lan tỏa lại rất lớn khi chúng ta hỗ trợ xuất khẩu.
Thứ ba, tôi hiểu rằng Chính phủ cũng đã nhận thức được về áp lực lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ đã điều hành quyết liệt trong việc tăng cường phối hợp chính sách, đặc biệt giữa tiền tệ với tài khóa; và kiểm soát giá cả cũng như lượng cung tiền ra nền kinh tế để đảm bảo kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức hợp lý và kiểm soát được lạm phát dưới 5% như mục tiêu đã đề ra.
Có thể nói, với hai Thông tư 06, 07 đồng thời ban hành đã tháo gỡ về mặt tâm lý cũng như đưa ra giải pháp hỗ trợ DN cụ thể là rất cần thiết để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35 của Chính phủ. Với cách làm như vậy, tôi cho rằng, kỳ vọng lạm phát của Việt Nam năm nay có thể đạt được mức dưới 5% hoặc khoảng 5%.
Ông Phạm Hữu Hùng |
Chủ tịch HĐQT Công ty Kim khí Thăng Long - Phạm Hữu Hùng
Có thêm động lực cho DN thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh
Các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất cụ thể như Thông tư 07, 06… hỗ trợ tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hiện tại lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 6 - 7%; vốn trung- dài hạn là 9 - 10%/năm. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Tất nhiên đối với DN thì lãi suất càng thấp càng tốt, nhưng xét trên bình diện chung thì mức lãi suất hiện nay khá hợp lý. Nhưng đối với DN chúng tôi hiện nay, lãi suất không phải là vấn đề lớn.
Trong chi phí tài chính, lãi suất chiếm mấy % trong giá thành sản phẩm. Nhưng đây là yếu tố động viên thúc đẩy DN phát triển sản phẩm hơn. Với DN để thực hiện dự án lớn phụ thuộc nhiều yếu tố: đầu ra sản phẩm khả thi hay không, trình độ quản lý, cơ sở vật chất đảm bảo, nguồn lực, nhân lực đáp ứng dự án đầu tư và cuối cùng là nguồn vốn vay NH.
Hiện nay, vấn đề DN chúng tôi quan tâm nhất là đầu ra sản phẩm và năng lực cạnh tranh DN. Theo đó, trong thời gian tới, DN đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu sản phẩm để làm sao hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm cao hơn, tạo giá trị gia tăng lớn hơn.
Để làm được điều này, DN đầu tư tăng năng lực quản trị, nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ tăng cạnh tranh sản phẩm trong thời gian tới. Với sự quan tâm của Chính phủ như cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với cộng đồng DN vừa mới đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của NH, DN sẽ xem xét tiếp tục đầu tư, mở rộng dự án trong thời gian tới.