Thêm nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế Nhật đang phục hồi vững chắc
NHTW Nhật giữ nguyên chính sách kích thích tiền tệ | |
Nhật Bản: Lạm phát vẫn yếu ớt với CPI lõi ở mức 0,5% |
Chi tiêu tiêu dùng tại Nhật chậm lại trong tháng 8 |
Mặc dù thị trường Nhật không khỏi bị xáo động khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi tổng tuyển cử sớm có thể gây nhiều bất ổn cho chính sách kinh tế. Bên cạnh đó còn là nỗi lo về chính sách tiền tệ của Nhật Bản sau khi Biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của NHTW Nhật (BOJ) được công bố cho thấy một thành viên hội đồng quản trị muốn mở rộng kích thích kinh tế do giá tiêu dùng vẫn còn xa mục tiêu lạm phát 2% của BOJ.
Thế nhưng số liệu lạm phát tháng 8 đã phần nào xua đi nỗi lo này. Báo cáo từ chính phủ Nhật bản cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật (bao gồm các sản phẩm dầu nhưng loại trừ giá lương thực tươi sống) tăng 0,7% trong tháng 8 sau khi tăng 0,5% trong tháng 7. Mức tăng này khá phù hợp với dự báo trung bình của thị trường và ghi nhận tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát tăng.
“Giá cả đang tăng dần. Xuất khẩu đang hỗ trợ sản lượng và nhu cầu trong nước không phải là quá yếu”, Hidenobu Tokuda - Nhà kinh tế học cao cấp của Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết. “Chừng nào Abe nắm giữ quyền lực, chúng ta sẽ thấy ông sẽ tiếp tục các chính sách của mình, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào cuộc bầu cử”.
Bên cạnh đó, nhu cầu lao động vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 1974 với số liệu cho thấy tỷ lệ người nộp đơn tìm việc giữ ổn định ở mức 1,52 vào tháng 8.
Sản lượng công nghiệp cũng tăng 2,1% trong tháng 8 so với tháng trước do các nhà sản xuất thiết bị xây dựng, ô tô, linh kiện điện tử sản xuất nhiều hàng hoá hơn. Đáng chú ý, mặc dù các nhà sản xuất được điều tra bởi Chính phủ mong đợi sản lượng giảm xuống 1,9% vào tháng Chín và sau đó sẽ tăng 3,5% trong tháng 10.
Dữ liệu của hôm thứ 6 cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi ở Tokyo, thường được công bố trước 1 tháng so với dữ liệu trên toàn quốc, đã tăng 0,5% trong tháng Chín so với một năm trước đó, phù hợp với một dự báo trung bình thị trường.
Những dữ liệu khả quan này đã củng cố thêm niềm tin vào sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,5% trong quý thứ hai khi chi tiêu đầu tư và tiêu dùng tăng.
Tuy nhiên chi tiêu hộ gia đình chỉ tăng 0,6% trong tháng 8 so với năm trước, thấp hơn dự đoán trung bình là tăng 1,0% và cho thấy rằng chi tiêu tiêu dùng chậm lại sau khi tăng mạnh trong quý 2.
Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân một phần do tiền lương vẫn tăng trưởng chậm chạp do các công ty vẫn thận trọng chuyển lợi nhuận cho người lao động. Tiêu dùng yếu khiến giá cả cũng khó có thể tăng nhanh, buộc BOJ phải 6 lần đẩy lui thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát kể từ khi triển khai một chương trình kích cầu lớn vào năm 2013.
Trong dự báo gần đây nhất, BOJ kỳ vọng lạm phát sẽ đạt mức 2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, với lý do thị trường lao động thắt chặt và tăng trưởng kinh tế vững chắc sẽ dần dần đẩy giá lên.
Đồng quan điểm này, Hiroshi Miyazaki - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết ông không bi quan về tiêu dùng tại Nhật. “Thị trường lao động đang được thắt chặt và thu nhập đang gia tăng. (Vì thế) Chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ được cải thiện”.
Mặc dù vậy, bất ổn chính trị đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng, trong khi lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu của BOJ.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm thứ Năm đã giải tán Hạ viện và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 22/10. Ban đầu, liên minh cầm quyền của ông dường như chắc chắn sẽ giành được đa số ghế. Tuy nhiên, điều đó đã bị lung lay bởi đảng đối lập lớn nhất đã từ bỏ tham gia tranh cử và sẽ cho phép các thành viên của mình chạy đua cho một đảng mới được thành lập có thể phổ biến hơn với cử tri.