Thích ứng với kỷ nguyên số
2019 - năm của khoa học công nghệ | |
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong kỷ nguyên số |
Mới đây, Đại sứ quán bốn nước Bắc Âu tại Việt Nam (gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) phối hợp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tại TP.HCM tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tính liên tục và sự thay đổi trong mô hình xã hội Bắc Âu – thích ứng với kỷ nguyên số”.
Ảnh minh họa |
TS. Vũ Thành Tự Anh - Trường Fulbright cho biết, Chính phủ Việt Nam đang bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2030, qua đó cố gắng xác định một mô hình phát triển kinh tế mới theo hướng đổi mới sáng tạo, bao trùm và bền vững.
Các chuyên gia đến từ những nước Bắc Âu cho rằng, quá trình số hóa đem lại lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Khu vực nhà nước và tư nhân đều phải có những thay đổi quan trọng liên quan tới các vấn đề như quản trị, dịch vụ, sản xuất và phân phối. Điều này, đòi hỏi phải tăng cường tính hiệu quả, phải có cách tư duy mới, trình độ năng lực mới, mô hình kinh doanh mới và chính sách mới.
Điển hình, như hệ thống chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội phải thích ứng với bối cảnh xã hội đang số hóa. Đồng thời, các giải pháp số có thể góp phần cải thiện tính hiệu quả và giúp tiếp cận tốt hơn tới những người có nhu cầu như một công cụ để đổi mới, đơn giản hóa và cải tiến.
Tuy nhiên, trong quá trình đó yếu tố con người vẫn là chính chứ không phải máy móc không phải thay con người đảm nhận mọi việc. Đơn cử như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đang được số hóa để thanh toán các dịch vụ công và những giao dịch thương mại điện tử nhằm tiết giảm chi phí, nhưng con người phải chủ động bảo mật các cổng thông tin giao dịch điện tử để không mất tiền trong tài khoản.
Không chỉ có ngân hàng, quá trình số hóa nền kinh tế trong xã hội đang thay đổi rất nhiều các ngành nghề và phương thức kinh doanh ở Việt Nam, đáng kể nhất là sự cạnh tranh giữa các loại hình kinh doanh vận tải taxi giữa những ứng dụng gọi xe như Grab và taxi truyền thống. Đồng thời, các chính sách cũng phải thay đổi để thích ứng với thời đại số hóa, trong đó có việc xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo an ninh số.
Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ.
Mức độ 1 là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Tuy nhiên dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn từ giấy đến điện tử, điện tử đến giấy gây phiền hà thêm cho người dân, doanh nghiệp và cả công chức thực hiện.
Rõ ràng trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ không thể tăng năng suất lao động, giảm chi phí giá thành hàng hóa dịch vụ để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.