Thiếu giải pháp trong phòng vệ thương mại
Ảnh minh họa |
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng rào thuế quan sẽ bị dỡ bỏ, đây là cơ hội cho hàng hóa nước ngoài sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam, và hàng hóa trong nước sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên sân nhà. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là bùa bảo hộ cho hàng hóa trong nước nhưng thực tế DN Việt Nam vẫn thiếu chủ động với các biện pháp này.
Từ khi tham gia WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 hiệp định FTA. Ông Tô Thái Ninh, Phó trưởng phòng Phòng điều tra vụ kiện Phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế, WTO cũng như các FTA cung cấp cho tất cả các nước thành viên công cụ bảo vệ sản xuất trong nước chống lại tác động tiêu cực, đột ngột của việc cắt giảm thuế quan khiến gia tăng hàng nhập khẩu (NK).
Ví dụ như biện pháp hàng rào thủ tục hành chính, nước nhập khẩu có thể đưa ra những thủ tục hành chính để gây khó dễ cho việc NK vào thị trường trong nước. Ngoài ra, WTO còn đưa ra 2 biện pháp khác là hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Những biện pháp này được nhiều nước sử dụng bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế hàng NK.
Tuy nhiên, TBT hay SPS chưa hẳn phù hợp với Việt Nam. Các biện pháp này khó thực hiện vì khi áp dụng biện pháp nào với hàng hóa NK cũng phải áp dụng với hàng hóa sản xuất trong nước.
Nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao, có thể chặn được hàng hóa nước ngoài nhưng có thể lại khống chế ngành sản xuất trong nước.
Nếu hàng hóa trong nước không thể đáp ứng được tiêu chuẩn đó thì sẽ không được lưu thông. Một dẫn chứng rõ ràng nhất là khi ban hành Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, đây được xem như hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước khi sản phẩm thép NK vào Việt Nam tăng ồ ạt nhưng khi thực hiện lại gặp phải bất cập vừa nêu.
Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ có khó khăn nhất định nhưng lại là công cụ dễ sử dụng hơn hết trong các công cụ WTO cho phép, đồng thời là biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ DN trong nước. Tuy nhiên, công cụ này Việt Nam mới chỉ 2 lần áp dụng sau hơn 10 năm có Pháp lệnh Phòng vệ thương mại.
Nguyên nhân của tình trạng này được cả cơ quan quản lý lẫn DN nêu ra là do DN không chủ động tìm hiểu về phòng vệ thương mại; nhận thức sai lầm về việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.
Theo đại diện Cục quản lý cạnh tranh, nhiều DN khi tham gia vào các vụ kiện có tâm lý lo sợ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị công khai. Điều này tạo lợi thế cho đối thủ và họ e ngại về vấn đề này mặc dù Cục Quản lý cạnh tranh đã cam kết tất cả các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đều được cơ quan điều tra bảo mật, thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích điều tra chứ không được công khai cho bất cứ bên nào.
Một vấn đề khác cản trở việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của DN Việt Nam là yếu tố liên kết ngành, liên kết giữa các nhà sản xuất. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, tính cộng đồng của DN nội địa không cao, các DN thường mới quan tâm tới lợi ích cục bộ mà chưa nhận ra tác động của sự gia tăng hàng NK có thể tiêu diệt toàn bộ ngành sản xuất, không kể DN lớn hay nhỏ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Song để áp dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại quan trọng nhất vẫn xuất phát từ DN bởi DN có đưa hồ sơ, có kêu cứu thì chúng tôi mới biết để hỗ trợ”, ông Nam nói và nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới và khó ở Việt Nam nên công tác thuê luật sư tư vấn đòi hỏi khoản chi phí tương đối, trong khi năng lực tài chính của DN còn hạn chế. Do vậy, việc tập hợp lực lượng chia sẻ chi phí đó là việc làm cần thiết bởi nếu có sự chia sẻ thì xét cho cùng chi phí này cũng không quá lớn.