Thịt heo nhập khẩu so kè với hàng nội
Ngành chăn nuôi lợn: Cần sản xuất theo tín hiệu thị trường | |
Chăn nuôi còn phát triển tự phát |
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều DN kinh doanh bán lẻ sản phẩm thịt heo tươi sống và đông lạnh nhập khẩu. Với người bán thực phẩm chế biến, quán ăn, nhà hàng… thịt heo đông lạnh vẫn là lựa chọn số một, bởi giá thịt heo đông lạnh nhập khẩu rẻ bằng nửa giá hàng tươi sống của Việt Nam, chế biến thực phẩm, kinh doanh quán ăn sẽ lợi hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Đây là lý do loại thịt này đang tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, trong khi thịt heo trong nước vẫn biến động thất thường và đang gặp nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặt hàng thịt heo nhập khẩu nằm trong nhóm hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập, tái xuất sang các nước trong khu vực châu Á và một phần tiêu dùng tại Việt Nam.
Mặc dù từ giữa năm 2017, khi giá thịt heo trong nước sụt giảm, người chăn nuôi bị thua lỗ, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương trong cả nước, tăng cường công tác kiểm soát việc tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn trong nước, tuy nhiên, mặt hàng thịt heo tạm nhập tái xuất vẫn không giảm và thịt heo trong nước hầu như không xuất khẩu được.
Nguyên nhân do hàng thực phẩm đông lạnh là nhóm hàng phụ phẩm, giá rất rẻ (chân, đầu, nội tạng …), xuất xứ từ các nước phát triển (Canada, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha) hoặc các nước không sử dụng thịt heo làm thực phẩm, nên giá bán rẻ bằng nửa so với giá hàng cùng loại trong nước.
Ghi nhận thi trường thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay bên cạnh việc tiêu thụ thịt heo tươi sống trong nước, còn có rất nhiều kênh phân phối thịt heo đông lạnh (và cả tươi sống) nhập khẩu. Hình thức bán hàng rất đa dạng như đặt hàng qua mạng, qua điện thoại, giao hàng tận nơi 24/7…
Sản phẩm thịt heo nhập khẩu được phân loại rõ ràng, theo từng bộ phận của con heo. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, phần lớn sản phẩm thịt heo là phụ phẩm như nội tạng (tim gan, cật), sườn cánh buồm (nguyên miếng xương sườn), chân giò, thịt ba rọi… Các sản phẩm này bán với giá rẻ bằng nửa sản phẩm tươi sống trong nước (tim heo 36.000 đồng/kg, giò heo nạc 45.000 đồng/kg, sườn cánh buồm 67.000 đồng/kg…)
Đối tượng sử dụng thịt heo nhập khẩu là các quán ăn, nhà hàng. Thịt bán theo thùng được đóng gói khi nhập khẩu là 20kg/thùng. Thông thường các cửa hàng hay địa chỉ website của DN nhập khẩu sẽ nhận đơn mua và giao hàng tận nơi. Xuất xứ của thịt heo đông lạnh được hầu hết DN nhập khẩu giới thiệu là từ Canada, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha… Đây là các quốc gia có công nghệ hiện đại trong bảo quản và quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thịt cao.
Hiện nay, một số thương hiệu chuyên kinh doanh thịt heo nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh như La Maison, Uni Meat, JBS Food, Uucancook… không chỉ kinh doanh thịt heo đông lạnh mà có cả thịt tươi sống, chất lượng cao. Sản phẩm từ các DN này cũng đa dạng, từ phụ phẩm đông lạnh, đến hàng tươi sống cao cấp. Giá bán thịt tươi sống cao hơn thịt cùng loại của Việt Nam khoảng 30%.
Các sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho bếp ăn của các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều DN như Hoàng Võ, Tiến Phát, Fooddi… bán thịt heo phụ phẩm đông lạnh nhập khẩu. Sản phẩm tại các công ty này đa dạng chủng loại (tất cả các phần của con heo), thậm chí như Công ty Tiến Phát (quận Tân Phú), Công ty Huy Tuấn (quận 9) còn có cả sản phẩm heo sữa đông lạnh…
Tất cả đều có xuất xứ từ Úc, Đức, Hàn Quốc. Các sản phẩm này thường cung cấp cho các quán ăn nhỏ. Trong đó, loại bán nhiều nhất là dựng (chân móng), sườn sụn, tim cật, chân giò nạc… giá các loại này chỉ 36.000đồng/kg – 70.000 đồng/kg); thịt đông lạnh đóng thành gói, có in bao bì tiếng Việt, ghi rõ hạn sử dụng, cách sử dụng, số kiểm dịch của cơ quan chức năng. Đối với loại thịt chân giò thì được cắt khúc gọn gàng, đồng đều, rất thích hợp bán hàng ăn.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2017, cả nước nhập khẩu gần 10 nghìn tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 13 triệu USD. Vậy là, trong khi sản xuất kinh doanh thịt heo trong nước vẫn thất thường, chưa ổn định sau đợt giảm giá hồi giữa năm, nay vẫn phải tiếp tục cạnh tranh với thịt nhập khẩu giá rẻ. Đó là chưa kể việc sử dụng chất cấm trong giết mổ (tiêm thuốc an thần…) đang khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an về chất lượng thịt heo sản xuất trong nước.