Chăn nuôi còn phát triển tự phát
Bài toán chưa có lời giải | |
Khi ngành chăn nuôi gặp khó |
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân do những năm trước, tình hình chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư mở rộng đàn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, số lượng lợn trong cả nước ước tính đến tháng 6/2017 đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.202 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp hai tháng gần đây, giá trứng gà đang giảm, chưa có dấu hiệu dừng, khiến người chăn nuôi gà lại bị thua lỗ. Đàn gia cầm cả nước ước tính đến tháng 6 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành gia cầm lại rơi vào khó khăn khi giá trứng đang sụt giảm mạnh, bình quân trong 6 tháng qua chỉ ở mức 800 – 1.000 đồng/quả khiến người chăn nuôi bị lỗ từ 300 – 500 đồng/quả.
Người chăn nuôi tại các địa phương trong cả nước đều rơi vào cảnh khốn khó, mặc dù gần đây lượng xuất khẩu thịt qua cửa khẩu tăng, nhưng với nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ chậm, cũng khiến giá lợn hơi tại nhiều địa phương trong tháng 6/2017 vẫn tiếp tục giảm.
Cụ thể, tại tỉnh Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Nam Định giá đã giảm từ 1.000 đồng - 4.000 đồng/kg (so với đầu tháng 6/2017), hiện nay mức giá chỉ còn 25.000 đồng/kg. Trong 6 tháng qua, nguồn cung thịt lợn vẫn rất lớn bởi thị trường Trung Quốc giảm sức mua. Về gia cầm, những tháng gần đây, giá trứng đang tiếp tục giảm, khiến người chăn nuôi gà lại bị thua lỗ, bởi nguồn cung vẫn cao hơn cầu.
Trong lúc giá thịt và trứng gia cầm bắt đầu giảm thì đàn gia cầm cả nước ước tính đến tháng 6 vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trứng gia cầm đạt 5,6 tỷ quả, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Vì vậy, mức giá thịt và trứng gia cầm đến nay vẫn tiếp tục đà giảm giá, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong tháng 6/2017, giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL đã giảm 5.000 đồng/kg (so với hồi đầu tháng), hiện còn 23.000 đồng/kg – 25.000 đồng/kg. Giá trứng gà xuất bán tại trang trại chỉ còn 700 đồng - 1.200 đồng/quả, giảm khoảng 1.300 đồng/quả so với cùng kỳ 2016...
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định, từ trước đến nay, việc chăn nuôi, phát triển đàn gia súc gia cầm của người dân luôn mang tính tự phát và có xu hướng chạy theo tâm lý đám đông, với lợi nhuận trước mắt. Rất ít trang trại hay hộ chăn nuôi tính đến việc phát triển đàn theo nhu cầu thị trường hay theo đơn đặt hàng cố định của DN.
Mặc dù hiện nay, tỉnh Đồng Nai là địa phương duy nhất trong cả nước (tính đến tháng 6/2017 này) đã quy hoạch được vùng phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung, với 139 vùng phát triển chăn nuôi, tổng diện tích 15.722,7ha, có 596 trang trại trong vùng quy hoạch.
Trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở có hệ thống lưu trữ cấp đông với công suất 123 tấn; Có 483 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh (252 cơ sở chăn nuôi gà an toàn với bệnh cúm gia cầm, 219 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn với bệnh lở mồm long móng, dịch tả, 54 trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) và 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát mà cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Bộ môn Nghiên cứu Thị trường Ngành hàng, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kênh phân phối sản phẩm thịt gia súc gia cầm cũng đang là vấn đề lớn, khiến việc tiêu thụ gặp nhiều trở ngại, dẫn đến thiệt hại không thể tránh khỏi cho người chăn nuôi. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam có hơn 80% thịt gia súc gia cầm buôn bán qua chợ truyền thống, thương lái gần như là người quyết định giá cả.
Từ thực tế đó, bà Nhàn đề xuất, thời gian tới, các cơ quan hữu quan, hiệp hội ngành nghề cần tạo điều kiện để DN sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trực tiếp ký kết với nông dân các trang trại, hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm; Khuyến khích người chăn nuôi phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại; Tìm hiểu thông tin thị trường trong ngắn, trung và dài hạn để phát triển đàn gia súc gia cầm với số lượng thích hợp.
Đồng thời, các DN chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng và làm thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho các bên tham gia chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.