Thời điểm tiến tới CSTT theo lạm phát mục tiêu
Tín dụng và độ trễ tăng trưởng kinh tế | |
CSTT thận trọng giúp lạm phát cơ bản giảm, hứa hẹn vĩ mô ổn định hơn | |
Thị trường tiền tệ giữ vững sự ổn định |
Ông Võ Trí Thành |
Các quốc gia khác nhau sẽ có sự lựa chọn chính sách tiền tệ (CSTT) khác nhau tuỳ theo mục tiêu chính sách của mỗi nước. Nhưng nhìn chung, đa phần NHTW các nước trên thế giới đều hướng tới việc kiểm soát lạm phát và đây được coi là sứ mệnh quan trọng nhất. Còn tại Việt Nam, theo nhận định của Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành, việc kiểm soát và duy trì được lạm phát ở mức hợp lý ổn định trong một biên độ nhất định hay còn gọi là lạm phát mục tiêu (LPMT) trở thành vấn đề trung tâm, mục tiêu hàng đầu của CSTT. Nếu được như vậy, CSTT sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiệu quả, đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá và an toàn hệ thống NH.
Vì sao ông lại “chọn” điều hành CSTT theo LPMT?
Khung khổ điều hành CSTT theo LPMT, nếu được xây dựng và vận hành đầy đủ, sẽ có không ít thuận lợi. Niềm tin của các thành viên thị trường đối với chính sách, vốn là một yếu tố có tính nền tảng. Thứ nữa, do xác định rõ ràng thứ tự mục tiêu cần ưu tiên NHTW sẽ chỉ phải tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp cũng như gián tiếp liên quan đến các mục tiêu này. Ý nghĩa không kém phần quan trọng là các chính sách khác cũng dần thích ứng với công tác điều hành CSTT theo LPMT, tránh gây áp lực đối với NHTW.
Việc kiểm soát và duy trì được lạm phát ở mức hợp lý ổn định trở thành vấn đề trung tâm, mục tiêu hàng đầu của CSTT |
Tất nhiên, để một khung khổ điều hành CSTT theo LPMT hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi vì nó chủ yếu sử dụng dự báo lạm phát nhằm đưa ra định hướng cơ sở cho CSTT và vận hành chính sách một cách minh bạch, tăng tính trách nhiệm và khả năng giải trình. Thứ nhất, khả năng dự báo, ứng phó và đánh giá việc điều hành theo LPMT có vai trò rất quan trọng.
Thứ hai, tính độc lập của NHTW trong việc đặt LPMT cũng có ý nghĩa quyết định đối với việc điều hành CSTT. Thứ ba, gắn với tính độc lập chính là mức độ minh bạch và khả năng giải trình về CSTT. Thứ tư, một hệ thống tài chính lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chiến lược LPMT. Đây cũng là những yếu tố được khẳng định từ kinh nghiệm của nhiều nước đã vận dụng khuôn khổ CSTT theo LPMT.
Xét từ những yếu tố trên, việc điều hành CSTT theo LPMT tại Việt Nam gặp phải những khó khăn nhất định.
Ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn đó?
Thực tiễn thời gian qua, công tác điều hành CSTT gặp không ít khó khăn, cản trở do trong không ít giai đoạn, chúng ta thiếu ưu tiên rõ ràng cho mục tiêu ổn định lạm phát so với các mục tiêu khác như tăng trưởng kinh tế. Đơn cử, điều hành CSTT của Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2016 được điều chỉnh khác nhau theo biến động kinh tế. Như giai đoạn 2000 đến cuối năm 2007 là xu hướng mở rộng tiền tệ, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn từ đầu năm 2008 - 2010, CSTT đảo chiều từ thắt chặt rồi chuyển sang nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Giai đoạn 2011- 2016, CSTT tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng.
Một nghiên cứu phối hợp giữa CIEM và Viện chiến lược Ngân hàng (NHNN) mới đây cho thấy, có những giai đoạn nếu hướng CSTT vào ổn định thì niềm tin của thị trường có thể ít méo mó hơn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam có thể thực hiện các cải cách kinh tế vi mô sâu rộng hơn, thay vì chỉ tập trung điều hành tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Bản thân việc điều hành tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng khá tốn kém.
Chẳng hạn, vào năm 2009, Chính phủ đã thực hiện gói kích thích tài khóa khoảng 145,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 8,7% GDP). Ước lượng của CIEM cho thấy gói này chỉ giúp cho tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 1-1,5 điểm phần trăm. Hơn nữa, do tính độc lập của NHTW chưa cao cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thông tin, nhất là các thông tin chuyên ngành thuộc thẩm quyền của các bộ khác dẫn đến sự phối hợp, điều phối giữa các chính sách còn bất cập.
Nhìn từ góc độ chuẩn bị cho việc vận dụng khung khổ CSTT theo LPMT, xét theo cả 4 nhóm: điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu kinh tế, tính độc lập của NHTW, và mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính thì mức độ đáp ứng của Việt Nam đều chưa cao. Việt Nam hiện mới chỉ thỏa mãn được 5 điều kiện trên tổng số 19 điều kiện của 4 nhóm trên như mức độ độc lập trong hoạt động điều hành, quy trình dự báo có hệ thống, dự báo theo kịch bản, mức độ đô-la hóa thấp và nợ công trong ngưỡng an toàn dù còn không ít lo ngại. Một số khía cạnh như chất lượng tài sản của NH, giảm tình trạng “sai lệch cơ cấu đồng tiền” có thể cải thiện trong các giai đoạn 3 đến 5 năm tới.
Tuy nhiên còn nhiều khía cạnh có lẽ Việt Nam khó cải thiện hơn trong 5 năm như: giảm độ mở thương mại, tăng mức vốn hóa của thị trường trái phiếu công ty... Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được các điều kiện này. Nhưng dẫu sao thời gian tới, chúng ta nên cân nhắc nâng cao năng lực thể chế và năng lực điều hành cho NHNN có điều kiện chuyển sang một hình thức cụ thể của khung khổ CSTT theo LPMT.
Vậy theo ông, đâu là những vấn đề cần lưu tâm khi Việt Nam hướng tới điều hành CSTT theo LPMT?
Vấn đề then chốt nhất đó là điều hành CSTT theo lạm phát cơ bản. Mục tiêu lạm phát cơ bản là mục tiêu quan trọng nhất với vùng lạm phát đề ra hàng năm là 2,5% - 3%/năm. Hoặc NHNN có thể cân nhắc vùng khác xét theo tình hình thực tế. Vùng LPMT được xác định trên cơ sở dự báo có điều kiện, đảm bảo “neo” kỳ vọng lạm phát. Trong quá trình chuyển đổi, NHNN vẫn cần cân nhắc các mục tiêu trung gian về ổn định tỷ giá và lãi suất.
Tăng trưởng và việc làm chỉ nên được coi là mục tiêu “sau” trong điều hành CSTT. NHNN cần duy trì thông tin và trao đổi định kỳ với thị trường về dự báo lạm phát cơ bản, khả năng điều hành và các vấn đề khác, bảo đảm tính minh bạch và giải trình. Có thể quá trình này không thể triển khai ngay trong thời gian 5 năm tới. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là Việt Nam cần thực sự đặt mục tiêu ưu tiên về ổn định giá cả hoặc ổn định lạm phát. Qua đó mới giúp quá trình chuẩn bị và chuyển đổi nhất quán hơn.
Nhưng tôi lưu ý rằng kiến nghị trên đây không làm giảm vai trò của các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Bản thân các chính sách này vẫn có thể được vận dụng linh hoạt trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động lớn, bất lợi. Vấn đề đặt ra là chúng ta xem xét, nhận thức lại vai trò của các chính sách tài khóa, thương mại và đầu tư cho phù hợp với yêu cầu điều hành nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc nhìn nhận này có thể giúp tháo gỡ các vấn đề về hiệu quả chính sách, hiệu quả điều phối với các chính sách khác. Chẳng hạn, với chính sách tài khóa, sức ép giảm mức độ chi phối của chính sách này cần được nhìn nhận tích cực với ý nghĩa tạo động lực xử lý thâm hụt ngân sách Nhà nước để nợ công trở nên bền vững hơn. Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu không thể dựa hoàn toàn vào việc điều hành tỷ giá, mà cần dựa hơn vào nâng cao khả năng cạnh tranh cả về chất lượng, giá cả và khả năng đáp ứng đơn hàng đúng hạn.
Xin cảm ơn ông!