Thu phí là chuyện nhỏ, phát triển TTKDTM mới là chuyện lớn
Cân bằng lợi ích
Đó là điểm quan trọng, đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN (Thông tư 35) quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Thông tư có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các ngân hàng khi cung ứng dịch vụ ATM như phải tuân thủ quy định của NHNN về trang bị, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động ATM; hoàn trả số tiền giao dịch nếu giao dịch lỗi và bồi hoàn thiệt hại nếu do lỗi của ngân hàng phát hành thẻ; phổ biến, hướng dẫn cho chủ thẻ quy trình thao tác sử dụng thẻ…
Đặc biệt đồng thời với Thông tư 35, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định về trang bị quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM. Đây thực sự là những yêu cầu tạo sức ép không nhỏ cho các NHTM cung cấp dịch vụ ATM. Chuyên gia về thẻ ATM của một NHTMCP cho rằng, Thông tư 35 đã hỗ trợ cho cả bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ thẻ.
Khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ ngay cả ở những nhà hàng nhỏ
Với những quy định như vậy Thông tư 35 cũng đã cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia thị trường: Về phía Chính phủ thì có chức năng định hướng, khuyến cáo, giám sát và dẫn dắt thị trường. Với người sử dụng thẻ, khi đã trả phí, sẽ có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương xứng. Ngân hàng nào không đáp ứng được yêu cầu đó, sẽ mất thị phần. Và việc NHNN đưa ra quy định mức phí trần cũng đã nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ, cùng với mức phí được phép thu (và có thể không thu) họ phải đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng dịch vụ. Như vậy là quyền lợi có kèm với trách nhiệm. Đồng thời bản thân các NHTM cũng phải cạnh tranh nhau, nên cùng với việc đưa ra mức phí hợp lý, họ cũng phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo công nghệ thanh toán phù hợp với sự phát triển của công nghệ, xu hướng tiêu dùng của khu vực và thế giới.
Ngoài ra, việc thu phí được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Cụ thể: Theo quy định về quyền của bên cung ứng dịch vụ theo Bộ luật Dân sự (Khoản 3 Điều 523) thì bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Về hình thức, nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 94, 96) như sau: Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản...
Nguyên tắc chung nêu tại Pháp lệnh Phí và lệ phí có ghi: Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý; Luật Các TCTD (Điều 91) có quy định về quyền của TCTD trong việc ấn định và niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ thanh toán...
Nhìn xa hơn, trông rộng hơn
Xét về mặt lý luận, logic thì khi khách hàng sử dụng dịch vụ phải trả phí. Chính vì vậy, cần phải có cái nhìn công bằng hơn với hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ thẻ, trong đó có các NHTM - đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Ông Trần Vũ Long - Giám đốc Trung tâm thẻ SaigonBank cho rằng, khi phân tích, đánh giá về hệ thống ATM hiện nay cần phải phân tích cả mặt được và chưa được. Trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) mà cứ phân tích theo kiểu “giật gân”, chỉ từ vài sự việc trục trặc đã quy chụp chất lượng dịch vụ ATM chưa tốt là không thấu đáo. Bởi trong thực tế, không có cái gì bảo đảm hoàn hảo, ngay cả các thao tác do con người thực hiện chứ nói gì tới máy móc.
Tổng giám đốc một NHTM lớn thừa nhận: Dù đầu tư rất nhiều cho dịch vụ ATM, nhưng chúng tôi không dám chắc 100% giao dịch của khách hàng không bị trục trặc. Mặc dù tỷ lệ giao dịch bị sự cố/tổng giao dịch khách hàng thực hiện liên quan đến dịch vụ ATM nhỏ hơn cả tỷ lệ này tại các ngân hàng ở các nước phát triển.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sau nhiều lần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng NHNN mới quyết định đưa ra quy định về thu phí ATM. Thế nhưng, thay vì nhìn vào những điểm tích cực, dư luận lại có những “góc nhìn” thiếu thiện cảm đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ ATM. Trước khi nhìn vào mức thu, cách thức thu phí, tại sao chúng ta không nhìn vào những mặt được của thẻ ATM trong thời gian qua, và những gì ngành Ngân hàng đã thực hiện, đặc biệt từ năm 2006 khi bắt đầu thực hiện Đề án Phát triển TTKDTM của Thủ tướng Chính phủ.
Với những người sử dụng thẻ ATM hiện nay, số lượng người biết đến thanh toán đã nhiều hơn so với trước đây. Hiện nay tại các siêu thị, cửa hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng muốn khách hàng thanh toán qua thẻ, qua tài khoản thanh toán để thuận tiện, giảm thiểu rủi ro cho cả bên thu tiền lẫn bên trả tiền. Bản thân các NHTM cũng đang bị “đẩy” vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thẻ. Hàng loạt chương trình liên kết giảm giá, hoàn tiền cho chủ thẻ khi thanh toán bằng thẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại... được triển khai rầm rộ. Để khách hàng có thể quẹt thẻ thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ sẽ phải đầu tư từ 100 USD đến 200 USD/máy POS.
Một số NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank còn đầu tư POS cho một số hãng taxi, mỗi ngân hàng từ 1.000 – 2.000 máy POS. Mức đầu tư lớn như vậy, nhưng có bao nhiêu hành khách thanh toán bằng cách quẹt thẻ qua POS?
Những chi phí mà các NHTM bỏ ra để phát triển dịch vụ ATM không hề nhỏ. Mức phí mà họ sắp được thu chắc chắn chưa thể bù đắp cho những chi phí đã đầu tư nhiều năm nay. Thế nhưng, nếu chỉ vì lợi ích cục bộ của ai đó mà không phát triển các phương thức TTKDTM thì đến khi nào những phương thức thanh toán văn minh, hiện đại mới thực sự phát triển ở Việt Nam?
Quy định của Thông tư 35 đảm bảo 3 yếu tố: giúp cho việc quản lý của Nhà nước được dễ hơn; đảm bảo yếu tố thị trường, sự cạnh tranh; phù hợp với định hướng của Chính phủ, NHNN là tiếp tục phát triển TTKDTM. Song vấn đề hiện nay là phải cải thiện hạ tầng để hỗ trợ TTKDTM phát triển. Để làm được việc này cần phải có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều bộ ngành. Ví dụ, Bộ Công Thương cũng nên đưa ra quy định buộc các trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phải có các hệ thống TTKDTM; Bộ Giao thông - Vận tải phải có những thiết bị lắp đặt trên các phương tiện công cộng để hành khách có thể dễ dàng dùng thẻ thanh toán vé tàu xe hay trả phí giao thông… Ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) |
Đức Nghiêm