Thúc đẩy thanh toán điện tử: Cần người tiêu dùng mạnh dạn trải nghiệm
Đánh giá về tình hình triển khai thanh toán điện tử toàn quốc hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Thương mại điện tử đang là điểm sáng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển cao từ 20 - 30% mỗi năm. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến cũng có sự tăng trưởng hàng năm.
Nhìn nhận về triển vọng ngành này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết: Việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thấp sẽ phá bỏ mọi khoảng cách công nghệ, đưa dịch vụ số an toàn tới người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vốn có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn nhiều rào cản làm chậm tại quá trình bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
“Trong một báo cáo gần đây, hiện nay có gần 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam, chủ yếu trong mảng thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng… Số lượng như trên là chưa đáng kể, trong khi đó thanh toán điện tử có dư địa phát triển rất lớn và có nhiều tiềm năng”, ông Phùng Anh Tuấn nói.
Bổ sung cho quan điểm trên, ông Đặng Hoàng Hải cho biết thách thức lớn nhất của thương mại điện tử ở Việt Nam là giao dịch tiền mặt nhận hàng, do xói mòn lòng tin giữa người mua với người bán, người mua không tin tưởng chất lượng hàng hoá của người bán.
“Về lâu dài chúng ta phải giải quyết được bài toán này để tạo sức bật cho thương mại điện tử ở Việt Nam”, ông Hải nói. “Người tiêu dùng hãy mạnh dạn trải nghiệm, vì chỉ có trải nghiệm mới thấy được những mặt xấu, tốt các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt”.
Ông Đặng Hoàng Hải, ông Phạm Trung Kiên và ông Phùng Anh Tuấn trao đổi tại buổi tọa đàm (từ phải qua trái). |