Thúc đẩy thị trường vật liệu xây không nung: Cần thêm nhiều cơ chế ưu đãi
Cái khó của gạch không nung | |
Sản xuất vật liệu không nung: Cần cơ chế đồng bộ |
Doanh nghiệp sản xuất gạch không nung mong được Nhà nước ưu đãi nhiều hơn nữa |
Trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng đất nước, quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng phải ngày càng thân thiện hơn với môi trường và bền vững, chẳng những góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường làm việc của người lao động và bảo vệ sức khỏe của người dân, an sinh xã hội bằng cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mà còn giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tiêu thụ ít nguyên nhiên vật liệu và tận dụng phế thải (tro và xỉ) của các nhà máy công nghiệp... vào sản xuất gạch không nung (vật liệu không nung). Đây được coi như một giải pháp không thể thiếu đối với sự phát triển phát thải các bon thấp và bền vững ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, yêu cầu vật liệu xây không nung chiếm khoảng 40% các công trình xây dựng; và Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, nhưng tính đến hết năm 2018, các công trình xây dựng trên cả nước sử dụng gạch không nung mới đạt 28%.
Theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Xuân Đính, để sản xuất loại gạch đất sét nung (gạch nung đang được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng hiện nay) phải dùng nhiều loại vật liệu, khoáng sản không tái tạo, nhiên liệu hóa thạch; sản phẩm được nung bằng lò thủ công hoặc lò tuy-nen, thải khí CO2 nên gây hiệu ứng nhà kính; người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu dùng trong sản xuất gạch nung đang cạn kiệt, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất.
Trong khi việc phát triển sản xuất vật liệu xây không nung giúp tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải... tạo ra các sản phẩm xanh, công trình xanh, ngoài việc tiết kiệm tài nguyên đất sét và diện tích canh tác nông nghiệp; tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng…
Trên thế giới, tỷ lệ sử dụng gạch không nung rất cao, thậm chí một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có mức sử dụng gạch không nung lên tới 70-80%. Ước tính từ khi đưa các sản phẩm vật liệu xây không nung vào thay thế các sản phẩm nung trước đây, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất và hơn 700 tấn nhiên liệu đốt.
Nhằm khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm gạch không nung, từ năm 2014 - 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính. Từ đó, mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Các chuyên gia đánh giá, ở Việt Nam các công trình sử dụng gạch không nung mới chỉ bắt đầu chưa đầy 10 năm, phần lớn đều được sử dụng ở các công trình có quy mô nhỏ. Qua quá trình sử dụng, nhiều công trình đã xuất hiện tình trạng gạch không đảm bảo chất lượng về độ thấm nước, co ngót hoặc giãn nở do sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ... vì vậy các chủ đầu tư và cả người dân tỏ ra quan ngại khi sử dụng vật liệu xây không nung, dẫn đến vẫn ưu tiên sử dụng gạch nung trong các công trình xây dựng.
Thêm nữa, cho đến thời điểm này, nhiều cơ chế, chính sách dành cho vật liệu xây không nung vẫn chưa được hoàn thiện. Đơn cử, những quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức sử dụng các loại vật liệu xây không nung đã được Chính phủ ban hành. Nhưng quy định về thiết kế, thi công công trình có liên quan đến vật liệu xây không nung thì chưa được hoàn thiện, ông Phạm Văn Bắc - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Thế Minh cho rằng, công tác tuyên truyền về vật liệu xây không nung chưa thực sự mạnh mẽ, chưa làm cho người dân hiểu được vai trò và lợi ích của gạch không nung, từ đó dần thay đổi nhận thức, thói quen của người sử dụng.
Đa phần các doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước có những giải pháp để hỗ trợ nhiều hơn nữa, trong đó cần nâng cao mức thuế tài nguyên đất sét; giảm mức thuế VAT cho doanh nghiệp sản xuất gạch không nung; giảm giá thành nguyên liệu sản xuất gạch không nung (tro xỉ, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện); phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung; đồng thời mong nhận được sự hỗ trợ tích cục hơn nữa từ UNDP…
Xu thế phát triển các đô thị thông minh, công trình xanh đang được chú trọng chính là cơ hội cho các vật liệu xây không nung, vật liệu xanh thân thiện môi trường phát triển. Song song với việc chú tâm thúc đẩy phát triển gạch không nung, cụ thể là tăng cường thực thi các cơ chế giám sát chất lượng đầu ra của sản phẩm gạch không nung, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ quy định các công trình xây dựng phải sử dụng gạch không nung.