Thương mại quốc tế: Thích nghi để đi trên đường lớn
Đường nhỏ - hiểm họa lớn
Do tiếp giáp biên giới với nhau nên hiện hình thức quan hệ thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc chiếm tỷ trọng không nhỏ. Nó được áp dụng cho xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam và các mặt hàng tiêu dùng. Ngược lại chúng ta cũng nhập khẩu những sản phẩm công nghiệp và hàng hóa từ Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Riêng đối với mặt hàng nông sản, theo thống kê của Bộ Công Thương, 1/3 sản lượng xuất khẩu là thông qua con đường tiểu ngạch. Đối với mặt hàng gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ước tính, xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện chiếm hơn 51% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, hiện có đến 50-60% cao su xuất khẩu qua Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch. Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, có đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc theo cách này.
Bất lợi lớn của hình thức buôn bán tiểu ngạch là thiếu ổn định, giá cả bấp bênh, chưa kể những rủi ro về thanh toán… dẫn đến thiệt hại cho các DN Việt Nam. Có hai lý do chính dẫn đến điều này.
Thứ nhất, nguồn cung (sản xuất) từ phía Việt Nam không được điều phối phù hợp, sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ. Thứ hai, là tính mùa vụ cao của các sản phẩm trao đổi. Nhiều sản phẩm, như: rau quả, thủy sản vào mùa khai thác hoặc thu hoạch buộc phải tiêu thụ nhanh dẫn đến hiện tượng bị ép giá, làm giá, gây thiệt hại cho nông dân.
Tình trạng hàng ngàn xe dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới mỗi khi các mặt hàng nông sản này đến vụ thu hoạch là một ví dụ điển hình cho những bất trắc của hình thức buôn bán này.
Cần thay đổi để đi trên con đường lớn
Có thể thấy phần lớn các rủi ro qua hình thức tiểu ngạch đến từ sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu liên kết sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của DN và người nông dân. Hiện nông sản của Việt Nam thường được sản xuất với quy mô nhỏ, không đồng đều về chất lượng, giá và mẫu mã. Vì thế, rất khó để có thể xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Do vậy, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cùng với tổ chức lại các khâu chế biến, phân phối, xuất khẩu là việc cần làm ngay. Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành nghị định mới về hợp tác xã để trình Chính phủ, nhằm cải thiện mối liên kết DN - hợp tác xã trong khâu tổ chức sản xuất.
“Cần khuyến khích các nhà sản xuất và DN liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Đó là con đường duy nhất giúp cho hàng hóa Việt tăng tính cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro để gia nhập với thị trường khu vực và thế giới”, ông nhấn mạnh.
Hiện có quá nhiều quan điểm cho rằng các hiệp định thương mại tự do cùng với TPP sẽ giúp xuất khẩu tăng, GDP cũng tăng theo. Cách nhìn đó không sai, nhưng chưa đầy đủ vì khó phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định ngay sau khi Việt Nam đàm phán thành công TPP: “Hiện giờ, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như hồi mới gia nhập WTO vậy. Phải hết sức bình tĩnh. Cơ hội của xuất khẩu là có nhưng quan trọng có tận dụng được hay không. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu sẽ tăng, nhưng đó không phải điều xấu”.
Các hiệp định FTA và TPP sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đòi hỏi DN phải sản xuất ở trình độ cao hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề vốn mà còn cả khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển đầu tư ở những lĩnh vực không quan trọng sang nông nghiệp, bởi đó chính là một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp DN Việt Nam dễ dàng hội nhập khi các hiệp định FTA và TPP có hiệu lực.