Thủy sản phát triển thị trường ngách
Xuất khẩu thủy sản: Vẫn duy trì được lợi thế | |
Thủy sản: Điểm sáng ấn tượng năm 2018 |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018 mặc dù ngành thủy sản Việt Nam gặp nhiều bất lợi, do biến động thị trường thế giới và rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017.
DN thủy sản đang mở rộng các thị trường tiêu thụ ít nhưng lâu dài, ổn định |
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu mới là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019, các doanh nghiệp ngành thủy sản có rất nhiều việc phải làm. Cụ thể như đầu tư nâng chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tăng sản xuất chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu thủy sản Việt. Đặc biệt là khai thác thêm nhiều thị trường mới, thị trường ngách tiêu thụ số lượng ít nhưng lâu dài, ổn định.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu nhiều áp lực ở thị trường thế giới. Bên cạnh việc Liên minh châu Âu đưa ra thẻ vàng đối với thủy sản khai thác đánh bắt của Việt Nam, làm giảm hơn từ 30% - 50% đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, thì nhiều thị trường chính, tiêu thụ số lượng lớn thủy sản Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng rào cản kỹ thuật, khiến doanh nghiệp trong ngành luôn đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.
Tuy vậy, còn một mảng thị trường ít được thống kê chính thức, nhưng khi tập trung khai thác tốt, vẫn tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. Đó là nhóm “thị trường khác”. Hiện tại, thủy sản xuất khẩu Việt Nam có 3 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài ra, còn một số thị trường khác cũng đạt kim ngạch xuất khẩu cao là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… với kim ngạch từ 500 triệu USD trở lên (trong năm 2018). Nhưng đây chỉ là những thị trường chính, còn lại trên 90 thị trường khác tiêu thụ thủy sản Việt Nam với số lượng ít hơn nhưng ổn định.
Trong đó, Campuchia đứng đầu về mức tăng trưởng nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018, tăng đến 75,8%, đạt 23,2 triệu USD. Thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (U.A.E) cũng tăng cao đến 66,5%, đạt 69,49 triệu USD; Ấn Độ tăng 44,3%, đạt 25,92 triệu USD; Ai Cập tăng 44,7%, đạt 42,21 triệu USD; Brunei tăng 35,3%, đạt 1,54 triệu USD. Bên cạnh đó, còn nhiều thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam khác nữa như Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Indonesia…
Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCP Chế biến XNK Thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Baseafood), khi các thị trường lớn tung ra hàng loạt rào cản kỹ thuật, thì doanh nghiệp xuất khẩu một mặt ứng phó để đáp ứng tốt yêu cầu của họ, mặt khác cũng chủ động khai thác các thị trường nhỏ, mới, nhưng có sức tiêu thụ ổn định và các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không quá gắt gao.
Ví dụ như, cuối năm 2018, (Baseafood) có được hợp đồng tại Singapore trị giá gần 1,2 triệu USD, đối tác nhập khẩu tại nước này chuẩn bị tiêu thụ vào dịp tết Nguyên đán 2019 tới đây. Đây như một khách hàng mới của doanh nghiệp trong thời gian tới. Còn trước đó, doanh nghiệp cũng có một số hợp đồng xuất khẩu với khách hàng mới từ Pakistan, nhập khẩu các mặt hàng tôm, cá ba sa, nhuyễn thể…
Cùng với đó, một số thị trường mới của công ty tại Trung Đông như U.A.E và Ai Cập cũng luôn được quan tâm, chăm sóc tốt, vì hai quốc gia này là thị trường có tiềm năng rất lớn, do hầu hết cư dân ở đây phụ thuộc vào nguồn protein từ thủy hải sản.
Ngoài ra, Trung Đông còn là nơi tập trung, luân chuyển nguồn hàng thủy sản sang các thị trường khác ở Bắc Phi, Tây Á. Các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Đông cũng không khắt khe như các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản.