Tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp bền vững
Khi nguồn lực đất đai được giải phóng | |
Tích tụ vốn và đất từ mua bán, sáp nhập | |
Thiếu chính sách tích tụ ruộng đất: Rào cản với nông nghiệp công nghệ cao |
Hiện nay nước ta có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 10 triệu ha với gần 14 triệu hộ nông dân, trong đó, 70,4% hộ có tổng diện tích dưới 0,5ha và 3,4% số hộ có diện tích trên 3 ha. Hệ lụy của sự manh mún khiến sản xuất theo hướng hàng hóa rất khó khăn, nông dân phải phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xác định đây là một nút thắt cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, thực tế vấn đề này được giải quyết rất chậm, gây khó khăn cho nông dân và DN. Thời gian qua, nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cũng đã dẫn chứng về những khó khăn trong việc tích tụ đất đai Bình Phước và một số địa phương khác liên quan đến hạn mức giao đất.
Muốn có được 100ha đất để hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, nhiều DN phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người nông dân với giá thực tế của thị trường. Mỗi ha có giá từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo vị trí đất, tuy nhiên, khi hợp thức hoá thì chủ sở hữu DN chỉ được 30 ha đất theo quy định của luật, 70 ha còn lại phải chuyển sang hình thức cho thuê, trả tiền hàng năm hoặc một lần. Điều này cũng có nghĩa, 70 ha đất này không thể thế chấp vay ngân hàng để đầu tư.
Trước thực trạng như vậy, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nội dung Đề án Điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, kết quả thực hiện Đề án sẽ là cơ sở để xây dựng, trình ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân, DN. Đề án này đặc biệt quan tâm đến các ý kiến từ nông dân, DN để đảm bảo mọi đối tượng được hưởng lợi từ quá trình tích tụ, tập trung đất đai cũng như tái cơ cấu khu vực nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm tích tụ, góp đất ở một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Song ông cũng cho rằng, tích tụ và tập trung đất đai chỉ là một trong những điều kiện để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Quan điểm của Chính phủ là tích tụ, tập trung đất đai phải gắn với bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân về sinh kế và lợi ích lâu dài.
Chính vì vậy, bộ đang tiến hành đánh giá nhiều mô hình khác nhau hiện nay, ví dụ như vấn đề liên kết đất đai hợp tác xã, vấn đề DN liên kết với người dân theo mô hình DN đứng ra để tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất… “Mỗi mô hình đều phát huy được những thế mạnh và những điểm phù hợp với thực tế. Song kinh nghiệm tại những nước có nền nông nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh mạnh và áp dụng công nghệ cao cho thấy, cũng cần tích tụ những cánh đồng mẫu lớn”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho biết, với những đề xuất sửa đổi về hạn ngạch sử dụng đất sắp tới, ĐBSCL có thể tích tụ đến 30 ha đối với đất trồng cây hàng năm, 20 ha đối với những vùng còn lại. Vùng núi có thể lên đến 300 ha đối với xã miền núi và không quá 150 ha đối với đất rừng sản xuất. Thực tế, hạn mức chuyển nhượng này đang phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của hộ gia đình.
Còn đối với DN, sẽ không hạn chế đối với hạn mức và tích tụ để khuyến khích các hộ gia đình có lực lượng và trình độ sản xuất phát triển chuyển thành DN. Đồng thời, tiếp tục xem xét để có mô hình tích tụ đất đai phù hợp với mô hình liên kết và sản xuất phù hợp.