Tích tụ vốn và đất từ mua bán, sáp nhập
Quyết liệt giải quyết sở hữu chéo | |
Để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh | |
Đã có đơn thuốc cho sở hữu chéo |
Chuyện từ ngành mía đường
CTCP Mía đường Thành Công Tây Ninh (SBT) cuối tháng 5 vừa qua đã chính thức công bố sáp nhập và hoán đổi gần 300 triệu cổ phần của CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty mía đường này.
Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất niên độ 2017 - 2018 khoảng 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 674 tỷ đồng. Trong khi đó, BHS sẽ được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Đường Thành Thành Công Biên Hòa - Đồng Nai, với kế hoạch doanh thu niên độ 2017-2018 là gần 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 323,2 tỷ đồng.
Thành Thành Công đã trở thành công ty mía đường lớn nhất phía Nam sau khi hợp nhất cả mía đường Hoàng Anh Gia Lai |
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Thành Thành Công là tập đoàn lớn nhất trong ngành mía đường Việt Nam. Bởi trước khi thâu tóm BHS, tập đoàn này cũng đã từng góp vốn của gần 20 công ty mía đường lớn. Năm 2014, chính sự tham gia của Thành Thành Công đã hỗ trợ BHS thâu tóm đối thủ nặng ký là CTCP đường Ninh Hòa (NHS). Tiếp sau đó, Thành Thành Công mới đây lại mạnh tay chi ra trên 1.300 tỷ đồng để chính thức sở hữu Công ty TNHH mía đường Hoàng Anh Gia Lai. Nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu của mình lên hàng trăm ngàn hecta. Trở thành công ty mía đường gần như “độc chiếm” thị trường phía Nam, với mức lợi nhuận và sức hút vốn cực mạnh từ thị trường chứng khoán.
Tích cực sở hữu chéo
Phải thừa nhận rằng việc thâu tóm, sáp nhập giữa các DN lớn cùng ngành diễn ra như trường hợp của Thành Thành Công là một thực tế của thị trường.
Ở các ngành khác như thủy sản, thức ăn chăn nuôi… chuyện này cũng xảy ra liên tục với những thương vụ thâu tóm đình đám như: Thủy sản Hùng Vương mua An Giang Agifish, Thức ăn Việt Thắng, Thủy sản Tắc Vân; Thủy sản Vĩnh Hoàn mua đứt các công ty Cửu Long, Thanh Bình…
Để mua thành công các đối thủ cùng ngành, các Công ty Thành Thành Công, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn… dựa vào điều kiện chính là tỷ lệ sở hữu chéo chằng chịt lẫn nhau giữa các công ty trong hệ thống. Khi thâu tóm xong đối thủ, các công ty này sẽ có điều kiện tích tụ đất đai và vốn liếng để cạnh tranh với thị trường quốc tế? Đây chính là điểm được các chuyên gia kinh tế cho rằng tích cực khi quy mô DN lớn lên mang lại. Bởi trong bối cảnh mà hầu hết các DN đều phải đứng trước áp lực thay đổi về cấu trúc, quy mô và mô hình hoạt động nhằm phù hợp với các sân chơi hội nhập thì con đường mua bán, sáp nhập chính là cách nhanh nhất để chủ động chiếm lĩnh thị phần, sở hữu tài sản, nguồn lực bao gồm cả nguồn lực vốn và nguồn lực đất đai.
Chẳng hạn như trường hợp của Thành Thành Công, hiện nay công ty này đã trở thành DN lớn nhất ngành mía đường. Việc sáp nhập hàng loạt các công ty trong nước cộng với việc thâu tóm mảng mía đường tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai, sẽ giúp cho đơn vị này có đủ tiềm lực ứng phó với thách thức lớn khi mức thuế nhập khẩu mặt hàng đường chỉ còn 0%. Bởi ngay sau các cuộc sáp nhập Thành Thành Công đã lập tức có những kế hoạch đưa giá thành sản xuất đường trong nước giảm về mức tương đương với Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện tại Lào, chỉ bằng 1/3 giá thành trung bình của các nhà máy khác.
Lo ngại bài học chaebol
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, việc thâu tóm dựa trên “mạng nhện” sở hữu chéo tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về tài chính. Quan sát trên thị trường chứng khoán cho thấy, những năm vừa qua không ít các đợt tăng vốn ảo của các công ty niêm yết bằng cách phát hành riêng lẻ cho các công ty có cùng quan hệ sở hữu chéo. Từ đó phát sinh các giao dịch bất hợp lý không dựa trên quan hệ giá cả làm biến dạng giá trị DN, dẫn đến việc đánh giá năng lực tài chính thực sự của DN trở nên khó khăn hơn, tạo ra kẽ hở đối với các quyết định đầu tư.
Nhóm nghiên cứu trên cũng cho rằng, việc sở hữu chéo giữa các DN sẽ bảo vệ vị trí quyền lực của một nhóm nhà quản trị nhất định. Đây là cơ hội để xuất hiện các DN, tập đoàn mang tính thân hữu, gia đình trị theo kiểu Samsung, Hyundai, LG… ở Hàn Quốc, mà thuật ngữ kinh doanh gọi là mô hình chaebol. Trong khi đó, tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây nền kinh tế liên tục ghi nhận những công ty hoạt động đa lĩnh vực, bề ngoài tương tự như mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân trên thế giới. Những DN kiểu như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Masan, Thành Thành Công… không thể phủ nhận là đã có những đóng góp lớn có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, các DN nhóm này thường phát triển dựa trên tài nguyên (khoáng sản, đất đai, rừng) và nhận được ưu đãi nổi trội so với các DN kinh doanh cùng lĩnh vực.
Hiện nay, mặc dù đề án tái cấu trúc hệ thống DNNN, Chính phủ cũng đã nghiên cứu mô hình chaebol của Hàn Quốc và “siết” lại đầu tư của các DN nhóm này. Tuy nhiên, với khối DN tư nhân thì vẫn đang khuyến khích sự tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô mà chưa đặt ra các thách thức và hướng quản lý để hạn chế tình trạng hình thành các “đế chế” thân hữu gia đình trị vốn là nguyên nhân nảy sinh nhiều bất ổn cho thị trường tài chính trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung.