Tiếp sức cho nông nghiệp, nông thôn
Agribank cùng ngành Ngân hàng tạo bước đột phá phát triển ngành thủy sản | |
Đăk Lăk đẩy mạnh cho vay tam nông | |
Đổi thay trên vùng đất Phú Yên |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp, nông thôn (NNNT) của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Trong đó, ngành Ngân hàng tỉnh đã có những đóng góp thiết thực.
Năm 2016 được lãnh đạo tỉnh Nam Định xác định là năm có nhiều nhiệm vụ lớn, là năm tập trung cao vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất, cùng với các địa phương khác trong cả nước tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Do đó tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, tạo sự bứt phá trong NNNT… Và sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành Ngân hàng là yếu tố quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu này.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục tập trung mạnh cho NNNT, tập trung ưu tiên vốn cho vay tam nông |
Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết, đến nay hầu hết các TCTD đều đẩy mạnh mở rộng mạng lưới về địa bàn nông thôn. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy lĩnh vực NNNT tỉnh phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định đã có trên 500 điểm cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng: gồm 18 TCTD chi nhánh cấp tỉnh, 14 chi nhánh NHTM loại II, 41 QTDND, 4 đơn vị tài chính vi mô, 112 phòng giao dịch…
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh Nam Định triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một trong những lợi thế mà ngành Ngân hàng đang thực hiện là phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở nông thôn trong việc hình thành, củng cố và duy trì hoạt động các tổ vay vốn của ngân hàng.
Thực tế những năm qua cho thấy, sự liên kết này đã thu được những kết quả rất tích cực. Mạng lưới tổ vay vốn của Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được coi là “những cánh tay vươn dài” theo mô hình xã hội hóa hoạt động ngân hàng với gần 7.000 tổ vay vốn tiết kiệm…
Việc các tổ vay vốn tham gia vào một số khâu trong quá trình cho vay đã làm giảm bớt sự quá tải cho cán bộ tín dụng, tổ vay vốn cùng ngân hàng giám sát việc sử dụng đúng mục đích vốn vay, làm tăng hiệu quả tín dụng. Do đó ngân hàng thu hồi được nợ đầy đủ, đúng hạn, nông dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đời sống được nâng cao.
Đây được coi là giải pháp tốt để mở rộng mạng lưới ngân hàng tại địa bàn nông thôn. Sự hợp tác có hiệu quả giữa ngân hàng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở là mô hình xã hội hóa hoạt động ngân hàng trên địa bàn nông thôn, được sự đồng tình cao của nông dân.
Đại diện Agribank Nam Định cho rằng, nhu cầu vay vốn sản xuất của nông dân là rất lớn. Vì vậy thời gian qua Agribank đã đẩy mạnh hoạt động theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP và nay là Nghị định 55/2015/NĐ-CP; xây dựng, mở rộng mạng lưới các tổ, nhóm cho vay khơi thông nguồn vốn để nông dân tiếp cận, phát triển sản xuất.
Đến nay Agribank chi nhánh Nam Định đã giải ngân cho hơn 2.000 tổ vay vốn tại các thôn, xóm, đội sản xuất với doanh số trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn của ngân hàng tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục tập trung mạnh cho NNNT, tập trung ưu tiên vốn cho vay tam nông; đảm bảo 100% các khách hàng theo Nghị định 55 đủ điều kiện vay và có nhu cầu đều được đáp ứng vốn vay đầy đủ kịp thời…
Thực tế triển khai cho vay tam nông ở Nam Định cho thấy, chính việc tiếp cận khách hàng khu vực NNNT có nhiều thay đổi đã giúp ngân hàng mở rộng được địa bàn. Hồ sơ, thủ tục cho vay NNNT không ngừng được cải tiến, đơn giản, thuận tiện phù hợp với đặc thù của khách hàng ở khu vực nông thôn.
Theo đó, các TCTD trên địa bàn đã liên tục cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, áp dụng các sản phẩm tín dụng mới, nhất là đối với hộ nông dân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay như giải ngân, thu nợ vào một ngày cố định trong tháng tại địa bàn sinh sống để khách hàng không phải mất thời gian đến trụ sở ngân hàng ở huyện giao dịch. Đồng thời cho vay thông qua “sổ vay vốn” được dùng nhiều lần vay, mỗi lần vay khách hàng không phải làm lại thủ tục…
Ông Đặng Văn Kim, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định cho rằng, chất lượng cho vay lĩnh vực NNNT những năm qua luôn ở mức an toàn, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nợ tổn thất không đáng kể. Có được điều đó, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng thì việc sử dụng hiệu quả đồng vốn đã giúp người dân kinh doanh tốt nên trả nợ ngân hàng đúng hạn. Đồng thời, trong quá trình vay từ khâu thẩm định đến giám sát sử dụng vốn vay và thu nợ đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các tổ vay vốn.
Ông Đặng Văn Kim nhấn mạnh, những kết quả về cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của ngành Ngân hàng Nam Định những năm qua đã góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển NNNT của tỉnh, nhất là giai đoạn 2010 – 2015. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 3,2%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 75,6 triệu đồng năm 2010 lên 100 triệu đồng năm 2015. Đặc biệt góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 100/209 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới…
Tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 13,5%/năm. Đến nay có dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2010. Trong đó dư nợ cho vay NNNT bình quân mỗi năm tăng trưởng 19,2%, đến nay dư nợ 15.293 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 50,7% tổng dư nợ cho vay. |