Đăk Lăk đẩy mạnh cho vay tam nông
Agribank Gia Lai: Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 96,7% | |
“Đầu tàu” dẫn vốn vào Tam nông | |
Cho Tây Nguyên thêm xanh |
Lâu nay, Đăk Lăk luôn lấy nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực cho phát triển. Nhiều loại nông sản của Đăk Lăk đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, cao su... Vì thế, vốn ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này đóng vai trò quyết định trong việc phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ bà con nông dân đầu tư phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đổi đời từ vốn vay nông nghiệp
Trên thực tế, từ nhiều năm nay nguồn vốn vay của Agribank Đăk Lăk đã giúp hàng ngàn hộ nông dân thay đổi cách làm ăn. Tập trung đầu tư phát triển vườn cây, cải tạo giống để mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong số ấy nhiều hộ đổi đời thành những “tỷ phú chân đất”, đi lên từ việc đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Phấn khởi trước một vụ mùa bội thu cà phê vừa qua, ông Bùi Thành Tùng, thôn Tân Lợi 2, xã Ea Uy, huyện K’rông Pak (Đăk Lăk) đang tưới nước cho các lô cà phê chia sẻ: Trước đây, gia đình khó khăn lắm, thiếu vốn đầu tư nên cứ “thiếu trước hụt sau”, thậm chí có năm phải đi vay nóng để trang trải. Song 5 năm gần đây, gia đình mạnh dạn lên Agribank K’rông Pak vay vốn phục vụ sản xuất.
Dần dà, vốn vay qua mỗi năm nhiều hơn một chút, cộng với vốn liếng tích lũy được, gia đình đã đầu tư mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp trồng cà phê, tiêu, nuôi bò thịt và làm dịch vụ vận chuyển. Nhờ đó, kinh tế gia đình có bước phát triển đáng kể.
Ông Tùng khẳng định, hiện mỗi năm gia đình có doanh thu vài tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được 3-4 trăm triệu đồng. Ông chia sẻ thành thật: “Phải nói là ngoài sức lực của gia đình thì công lao lớn là từ việc Agribank hỗ trợ vốn. Nếu không có vốn thì có tài giỏi mấy cũng không làm được gì”.
Được cán bộ tín dụng Agribank K’rông Pak đưa đi một vòng các hộ gia đình là khách hàng đang vay vốn của ngân hàng, chúng tôi “mắt thấy tai nghe” những thành quả kinh tế đáng kể từ đồng vốn ngân hàng khi được đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.
Lãnh đạo UBND huyện K’rông Pak cho biết, tiềm năng của địa phương là được thiên nhiên ưu đãi về chất đất và thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày, nhưng lại ít ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt. Do đó, khi người nông dân có vốn thì bà con đã mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển các mô hình sản xuất.
Cà phê đối tượng cây trồng được chú trọng đầu tư |
Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, có cách làm hay người dân nơi đây thường truyền tai nhau, chỉ bảo nhau cách làm ăn nên mang lại hiệu quả đáng kể trên diện rộng, nhất là trong việc sử dụng đồng vốn vay ngân hàng. Có thể nói, gần 100% các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều nhờ vốn ngân hàng mà phát triển kinh tế, nhờ vốn ngân hàng mà đời sống người dân được nâng lên.
Không riêng gì huyện K’rông Pak, từ đồng vốn vay nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đều có sự phát triển đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, tất cả các hộ dân trên địa bàn vay vốn đều sử dụng hiệu quả. Agribank đã kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, giảm thiểu được tình trạng người dân tìm đến các dịch vụ tín dụng đen, tránh được tình trạng bán cà phê non như những năm trước đây...
Trách nhiệm của người trong cuộc
Đem lại kết quả đáng khích lệ trên từng đồng đất của Đăk Lăk, chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống. Theo ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk, những năm qua tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng mạnh. Vốn ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho bà con nông dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc tạo sự chuyển biến mạnh về chuyển đổi cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị cao.
Đơn cử, trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Đăk Lăk đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiếp tục cùng hệ thống Agribank khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng đối với chính sách “tam nông”, với ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính, mạng lưới, nguồn nhân lực và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank Đăk Lăk sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng này. Dư nợ của Agribank Đăk Lăk cho vay trong lĩnh vực này 9.469 tỷ đồng.
Ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đăk Lăk chia sẻ, việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội Đăk Lăk.
Chính sách tín dụng phục vụ “tam nông” đã thúc đẩy kinh tế Đăk Lăk tăng trưởng bền vững. Cơ cấu ngành được chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm đầu tư đúng mức, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tạo thêm việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân địa phương.
Có được kết quả nêu trên, trong những năm qua lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, nắm bắt nhu cầu về vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng “tam nông”.
Ngân hàng cũng đã triển khai rất hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng đến khách hàng DN, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Chánh cho hay, để tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ đối với chính sách “tam nông”, hiện Agribank Đăk Lăk đẩy mạnh triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41) của Chính phủ.
Những năm tới, Agribank Đăk Lăk xác định mục tiêu và giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; Bám sát các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, nhất là các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để đầu tư vốn; Triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là với hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều...
Tăng cường hỗ trợ vốn tái canh cà phê UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch triển khai phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha cà phê theo 2 hình thức: trồng tái canh hơn 13.369 ha và ghép cải tạo hơn 8.729 ha. Để hỗ trợ cho bà con chủ động trong việc tái canh cây cà phê, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng mới 8 vườn chồi với diện tích từ 500 - 3.500 m2 trên địa bàn các huyện, thị xã; đẩy mạnh chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ tái canh cà phê theo từng chủng loại giống, độ tuổi, từng vùng sinh thái gắn với các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, VietGap. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất cà phê toàn tỉnh trung bình đạt 2,8-3 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân... Đặc biệt, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân về vốn, Agribank Đắk Nông sẽ tiếp tục hướng dẫn cụ thể về định mức cho vay, lãi suất vay, cơ chế hỗ trợ, thời hạn vay... theo hướng đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi nhất cho bà con nông dân trên địa bàn, nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để thực hiện việc tái canh cây cà phê… Nghi Lộc |