Tiếp sức cho Tây Giang
Mới đây, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn công tác của NHNN Quảng Nam và Cathay United Bank lên với vùng biên giới Tây Giang (Quảng Nam), để trao tặng số tiền 2,5 tỷ đồng cho thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng. Vượt qua cung đường khoảng 160km từ TP. Đà Nẵng, chúng tôi đến với xã A Xan, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Tây Giang.
Đại diện Cathay United Bank, trao tặng số tiền 2,5 tỷ đồng cho nhà trường |
Con đường lên với Tây Giang mùa này thật đẹp, nhưng khá cam go, thách thức với những con dốc cao, quanh co có những cái tên ấn tượng như, dốc Khom Lưng, Mẹ Ơi, Đỉnh Quế… Phải mất gần một buổi sáng, chúng tôi mới đến được miền biên giới giáp với nước bạn Lào.
Tiếp khách phương xa, ông Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng Trường Lý Tự Trọng chia sẻ, đây là ngôi trường cấp 2 chung cho 4 xã khu 7 của huyện Tây Giang, gồm: A Xan, Ch’ơm, Tr’hy, Gary. Lâu nay, nói đến vùng biên giới khu 7 của Tây Giang là nhắc đến một sự xa xôi, cách trở bởi giao thông khó khăn, từ trung tâm huyện lỵ muốn lên khu vực phải mất vài ngày đi bộ. Thế nhưng bây giờ đã khác rồi, xe ô tô có thể đến được trung tâm các xã.
Tuy nhiên, trong những đổi thay đáng mừng đó thì A Xan vẫn là một trong những xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của Tây Giang, thậm chí là của cả Quảng Nam. Xã nằm sâu trong thung lũng thuộc dãy Trường Sơn. Địa phương có đến 91% đồng bào là người dân tộc thiểu số Cơtu, cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề...
Nằm chênh vênh trên đỉnh đồi cách trung tâm hành chính xã chỉ chừng vài trăm mét, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng đang trở thành “mái nhà chung” của hơn 300 học sinh con em đồng bào Cơtu. Những năm gần đây, dù còn nhiều khó khăn, song nhà trường luôn là điểm sáng về công tác dạy và học ở vùng núi cao biên giới xứ Quảng.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Trường, đây là một trong những trường hoạt động theo mô hình trường học bán trú sớm nhất nhì ở địa phương. Mô hình trường học bán trú đã và đang giúp cho nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, là hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Chất lượng giáo dục toàn diện năm học sau luôn cao hơn năm trước. Các em học sinh không chỉ được học ngày 2 buổi mà còn được giáo viên kèm cặp, phụ đạo kiến thức vào buổi tối. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ sẽ phong phú, sinh động hơn…
Song, cũng như những ngôi trường khác ở vùng biên, nhìn chung điều kiện dạy và học cùng các cơ sở đáp ứng nhu cầu bán trú của học sinh của nhà trường vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Nhà trường vẫn còn thiếu các phòng học cũng như phòng bán trú phục vụ nhu cầu của các học sinh.
Nhằm tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao còn nhiều khó khăn, trong chuyến lên với Tây Giang lần này, đại diện Cathay United Bank chi nhánh Chu Lai đã trao tặng số tiền 2,5 tỷ đồng cho thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng. Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng thêm một số phòng học, đáp ứng nhu cầu đến trường của các em học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Trước đó, Cathay United Bank, chi nhánh Chu Lai cũng đã trao tặng 300 suất quà cho học sinh của trường, trị giá mỗi suất quà 600 nghìn đồng. Tại lễ trao tặng, ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước những hỗ trợ từ Cathay United Bank chi nhánh Chu Lai nhằm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các em học sinh ở huyện biên giới, tạo thêm động lực để các em có thêm nỗ lực vượt khó theo đuổi ước mơ đến trường của mình.
Cũng theo ông Lê Hoàng Linh, hiện địa phương đang có chủ trương mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn. Bởi vậy, thời gian gần đây, chính quyền huyện cũng đang tổ chức, vận dụng các nguồn lực như từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiến hành đóng góp, hỗ trợ để dần hoàn thiện cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn...
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Việt Hoa, đại diện Cathay United Bank chi nhánh Chu Lai, kể từ thời điểm có mặt tại Việt Nam, cùng với việc phát triển hoạt động kinh doanh an toàn, ổn định và phát triển, Cathay United Bank cũng là một trong những ngân hàng luôn nỗ lực, trong thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của ngành, thông qua các chương trình hỗ trợ các hoạt động từ thiện, tài trợ cho giáo dục, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đề cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và người dân.
Với quan điểm “giáo dục là giúp đỡ con người thoát khỏi cảnh nghèo khó”, Cathay United Bank đã đưa truyền thống lâu năm “Kế hoạch ươm mầm đại thụ” tại Đài Loan đến Việt Nam và phát động “Kế hoạch ươm mầm đại thụ tại Việt Nam”. Chương trình này đã được Cathay United Bank thực hiện tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã bước sang năm thứ 11.
Mỗi năm 2 học kỳ, thông qua hội khuyến học địa phương, hỗ trợ tìm hiểu những học sinh thực sự cần sự giúp đỡ để trao tài trợ. Đến nay, ngân hàng đã tài trợ gần 14.500 suất học bổng với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng, hỗ trợ các em học sinh trên con đường học vấn của mình, cùng truyền đạt thông điệp tốt đẹp “Cho đi là hạnh phúc” của Tập đoàn Tài chính Cathay.