Tiếp tục mạnh tay với nợ xấu
VAMC và sứ mệnh lịch sử | |
Sử dụng hết quyền năng để xử lý nợ xấu | |
Không nên xem xử lý nợ xấu là việc của riêng NHNN |
Vai trò lớn, trọng trách nhiều
Trong ba trụ cột tái cấu trúc trong nền kinh tế, có thể nói ngành NH đã thành công nhất trong việc thực hiện tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với những kết quả ấn tượng như: giảm được 17 TCTD, đưa nợ xấu xuống còn mức dưới 3%, tăng trưởng tín dụng đã tăng ở mức phù hợp, hướng vào đối tượng ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ mới đối với ngành NH.
NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu |
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, cần điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng Đề án cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).
Trước đó, trong buổi làm việc với NHNN đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo: NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu, bảo đảm không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, NHNN cần tiếp tục xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu thực chất, hiệu quả và đặt trong việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ các TCTD yếu kém; tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại tự nguyện, xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém và vấn đề sở hữu chéo.
Sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tiếp với VAMC cùng sự tham gia của một số bộ, ngành liên quan. “Đây là buổi làm việc chuyên đề về nợ xấu” – Phó Thủ tướng cho biết.
Những động thái trên có thể thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX), chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD.
Cần có Nghị quyết chuyên đề cho vấn đề xử lý nợ xấu
Từng thẳng thắn đưa ra vấn đề nợ xấu như “cục máu đông” làm tắc nghẽn tín dụng, ảnh hưởng tới nền kinh tế, ngay từ năm 2011, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia ủng hộ quan điểm: cần xác định trọng tâm trong thời gian tới với lĩnh vực tài chính NH là tiếp tục tái cơ cấu hệ thống và XLNX, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đối với tái cơ cấu các TCTD, theo TS. Trần Du Lịch, cần tiếp tục xử lý NH yếu kém; đồng thời Chính phủ có thể lựa chọn, đầu tư cho một vài NH lớn để xây dựng những NH này thành tầm cỡ khu vực, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho NH |
TS. Trần Du Lịch cũng đề nghị Quốc hội cần thiết phải có Nghị quyết chuyên đề cho vấn đề XLNX theo hướng còn vướng điểm nào thì tháo gỡ điểm đó như quyền thu nợ, xử lý tài sản, bán tài sản… “Hiện nay NH đã bán nợ cho VAMC, làm sạch bảng kế toán rồi, thì tiến tới là phải bán được tài sản bảo đảm, bán được nợ, thậm chí giảm giá cũng bán thì mới có thể xử lý được” – ông Lịch bày tỏ quan điểm.
Nhiều chuyên gia tài chính – NH cho rằng, sở dĩ những nội dung nêu trên của lĩnh vực NH được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo là bởi NH có vai trò quan trọng và được xem như “huyết mạch của nền kinh tế”.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn – Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Malaysia, khi hệ thống NH vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng và phân bổ vốn cho nền kinh tế.
Tỷ lệ về mức cung ứng tín dụng NH cho khu vực tư nhân so với GDP của các nước Đông Á Thái Bình Dương cũng như nhóm các nước có thu nhập thấp và trung bình đều ở mức trên dưới 40%. Trong khi đó tỷ lệ này ở các nước Đông Nam Á đều trên 100%. Điều này chứng tỏ vai trò rất lớn của khu vực NH đối với nền kinh tế các quốc gia này, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia NH, việc Chính phủ chỉ đạo ngành NH tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng cũng nhằm giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu mới. Bên cạnh việc kiểm soát tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, Chính phủ cũng đang có các động thái để đẩy mạnh hơn nữa thị trường vốn, gánh vác nhu cầu vốn của nền kinh tế cho hệ thống NH.
Về việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, và chọn vài NH có tiềm lực để xây dựng trở thành NH tầm cỡ khu vực là hướng đi đúng đắn. Bởi so sánh với thời điểm trước khi cổ phần hóa, các NHTMCP như Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã có những sự thay đổi rõ ràng cả về chất và lượng. Các NH này được các tổ chức tài chính quốc tế, xếp hạng NH đánh giá cao.
Điều này chứng tỏ, khả năng cạnh tranh và quốc tế hóa của các ông lớn là hoàn toàn khả thi. Nhất là các NH cũng đã có ý thức trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường khu vực và trên thế giới thông qua việc mở các chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia NH, với quy mô và phạm vi hoạt động lớn cả trong và ngoài nước, cần có hệ thống giám sát an toàn lành mạnh tài chính của các tập đoàn kinh tế, tài chính này, đặc biệt cần tăng cường hơn nữa chức năng và năng lực giám sát trên cơ sở rủi ro của các cơ quan quản lý và giám sát thị trường.