Tiết kiệm online tiện lợi cho những món nhỏ
Tiết kiệm online: Xu thế của dịch vụ ngân hàng hiện đại | |
Khoa học hơn với tiết kiệm online | |
Tiết kiệm online, không phải ai cũng biết! |
Tranh thủ tài khoản nhàn rỗi
Anh Phan Minh Nhật, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ (Quận 2 - TP.HCM) cho biết, hàng tháng công ty của anh đều đặn nhận hợp đồng mua các linh kiện nhỏ để gắn thêm vào các sản phẩm gỗ như: bọc mút, đế xoay, viền da, ốc vít các loại… Để thanh toán cho các hóa đơn này anh Nhật mở tài khoản thẻ tại ACB và luôn dự trữ từ 50-80 triệu đồng để giao dịch bằng cách chuyển khoản cho khách hàng.
Số lượng khách hàng trẻ tham gia dịch vụ tiết kiệm online đang ngày một tăng |
Với chu kỳ thanh toán khoảng 1, 2 tháng một lần, số tiền trong tài khoản thẻ của anh Nhật dường như không sinh lãi đáng kể vì lãi suất không kỳ hạn từ tài khoản thẻ rất thấp. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng gần đây anh Nhật chuyển sang dùng song song cả tài khoản thẻ và tài khoản tiết kiệm online. Theo đó, anh nạp tiền cho tài khoản thẻ sau đó dùng chính số tiền dự trữ thanh toán hàng tháng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 30 ngày. Với cách này, mỗi tháng trong khi chờ đến ngày thanh toán đơn hàng mới, anh Nhật có thêm khoảng hơn 400.000 đồng tiền lãi với số tiền trong tài khoản ở trên. Khi đến kỳ hạn tất toán, số tiền trong tài khoản tiết kiệm lại được chuyển qua thẻ ATM để giao dịch chuyển khoản.
Cách làm trên của anh Phan Minh Nhật là một ví dụ về việc sử dụng dịch vụ tiết kiệm online mà hầu hết các NHTM đang có sản phẩm tung ra thị trường và ngày càng thu hút giới trẻ. Đặc biệt là dân văn phòng bận rộn, công chức, viên chức tiết kiệm tiền lương được trả qua tài khoản thẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thao, Phó phòng Phát triển ứng dụng - Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cho biết, “hiện nay đa số các NHTM đều có dịch vụ tiết kiệm online”. Do tính chất huy động vốn tiết kiệm dân cư tối thiểu xuống đến 1 triệu đồng, có ngân hàng đến 500.000 đồng/lần gửi. Người gửi tiền chỉ cần có tài khoản thanh toán, thực hiện đăng ký Internet Banking là có thể mở tài khoản tiết kiệm, sau đó trích tiền từ tài khoản thanh toán để gửi theo các kỳ hạn. “Do tiết kiệm được chi phí in sổ tiết kiệm, chi phí trả lương nhân viên giao dịch nên lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn khoảng 0,18 - 0,4%/năm so với gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn thực hiện tại quầy”, ông Thao cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, dịch vụ tiết kiệm online tại Việt Nam bắt đầu được một số NHTM thực hiện từ năm 2009, tính đến thời điểm hiện nay đã có khoảng hơn 30 NHTM làm dịch vụ này. Một số NHTM phát triển sớm dịch vụ tiết kiệm online như: VPBank, Techcombank, DongABank… đã khá thành công trong việc huy động tiền gửi bằng phương tiện Internet. Cụ thể, tại VPBank, năm 2015 số lượng tài khoản tiết kiệm online đã đạt con số hàng trăm nghìn tài khoản, năm 2016 con số này tăng thêm 40%. Trong khi đó tại Techcombank năm 2016, số giao dịch trên kênh điện tử đạt trên 30% tổng giao dịch. Một đại diện Techcombank tại quận 1 - TP.HCM cho biết, so với các năm trước, số lượng tài khoản tiết kiệm online từ khách hàng là lao động công sở và các chủ cơ sở kinh doanh online trên mạng xã hội đang có sự tăng trưởng khá nhanh.
An toàn hơn việc giữ sổ
Theo phân tích của đại diện SeABank, mặc dù gửi tiết kiệm online khách hàng không phải cầm sổ tiết kiệm nhưng tất cả các thông tin giống như ghi trên sổ tiết kiệm bằng giấy (như số CMND, họ tên, địa chỉ, số tiền gửi, số tài khoản…) đều được hệ thống của ngân hàng ghi lại. Khách hàng bất cứ lúc nào cũng có thể tra cứu số tiền trên Internet, hoặc có thể in ra để lưu trữ. Khi muốn rút tiền từ sổ tiết kiệm online, khách hàng có thể chọn việc tất toán online, chuyển cả gốc và lãi về tài khoản thanh toán hoặc ra trực tiếp phòng giao dịch để tất toán như đối với sổ tiết kiệm thông thường.
“Theo tôi nếu số tiền gửi không quá lớn thì khách hàng nên chọn dịch vụ tiết kiệm online vì lãi suất cao hơn, đỡ phải đi lại, ký tên, chờ đợi giao dịch. Nhiều khi đến ngày đáo hạn mà không mang theo sổ (chỉ cần CMND) thì vẫn có thể tái tục, tất toán được”, vị đại diện SeABank nói.
Chia sẻ về mức độ an toàn của dịch vụ gửi tiết kiệm online, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Dự án EBank (VPBank) cho rằng khi mở tài khoản tiết kiệm online tất cả các lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng, nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hệ thống công nghệ của ngân hàng sẽ gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua email, tin nhắn điện thoại. Thông tin xác thực này không thể giả mạo được.
“Về mặt lý thuyết các thao tác giao dịch của khách hàng đều được lưu trên hệ thống và dữ liệu được backup (sao lưu) thông suốt ở quy mô toàn cầu. Các dữ liệu này được lưu lại hoàn toàn và được khôi phục tuyệt đối, cho dù có những thảm họa xảy ra. Vì thế dù không giữ sổ tiết kiệm nhưng thực tế gửi tiết kiệm online rất an toàn cho khách hàng”, ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, để hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra khi sử dụng dịch vụ tiết kiệm online, ông Nguyễn Ngọc Thao cho rằng khách hàng khi đã mở tài khoản tiết kiệm từ máy tính, điện thoại thì cần bảo quản thiết bị, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ, không nên lưu các thông tin này tại một chỗ, trường hợp thất lạc cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp. Khi đăng nhập tài khoản để thực hiện giao dịch khách hàng cũng cần kiểm tra kỹ tên miền đảm bảo chắc chắn truy cập đúng địa chỉ của NHTM mà mình mở tài khoản. Ngoài ra nên dùng bàn phím ảo để đăng nhập tài khoản nhằm đề phòng các phần mềm nghe lén, đánh cắp thông tin mật khẩu.