Tiết kiệm tối đa chi phí để giảm lãi suất
Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Thống đốc | |
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất | |
Để giảm và ổn định lãi suất |
Ảnh minh họa |
Được giảm lãi suất cho vay (LSCV) luôn là mong muốn của các đối tượng vay vốn gồm cả DN và người dân. Trên thực tế thời gian qua LSCV đã giảm khá mạnh. Từ tháng 5/2012, NHNN đã quy định trần LSCV bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có DNNVV), thấp hơn khoảng 1-2%/năm so với LSCV thông thường.
Đến thời điểm cuối năm 2015 LSCV chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006. LSCV tối đa được điều chỉnh giảm từ 15%/năm xuống 7%/năm.
Mặc dù đầu năm 2016, nhiều NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, song theo quan sát của NHNN thì đây chỉ là sự điều chỉnh nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, để cho vay hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ lạm phát, năm nay đang tăng khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước, áp lực lên lãi suất là có thật. Chưa kể năm nay dự kiến sẽ có lượng lớn trái phiếu Chính phủ được phát hành cũng sẽ tác động tới nguồn vốn của hệ thống NH.
Sau Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cuối tháng 4/2016 vừa qua, Chính phủ và NHNN đã có chỉ đạo các NHTM tiếp tục giảm LSCV hỗ trợ DN. Một số NHTM như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB… đã lập tức giảm LSCV đối với một số đối tượng khách hàng; đồng thời triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi…
Thực ra, LSCV liên tiếp giảm thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực của các NHTM. Hiện chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra đã ở mức rất thấp, có lẽ là thấp nhất từ trước tới nay.
Theo tính toán của lãnh đạo một NHTM, hiện giá vốn là 7,8% trong khi LSCV phổ biến ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy nhiên, trước việc DN vẫn còn khó khăn, một số NHTM lớn đã tiếp tục tiết giảm các chi phí hoạt động để đưa ra cam kết tiếp tục giảm LSCV cho DN.
Chẳng hạn như BIDV cam kết ngay trong năm 2016 sẽ đặt mục tiêu tiết giảm khoảng 500 - 600 tỷ đồng để phục vụ việc giảm lãi suất. Lãnh đạo NH này cũng cho biết sẽ thực hiện giảm ngay 0,3 - 0,5% LSCV ngắn hạn và đưa LSCV trung – dài hạn về mức tối đa 10%/năm đối với các khách hàng có quan hệ tín dụng tốt theo các tiêu chí đánh giá khách quan.
Vietcombank cũng dự kiến tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí kinh doanh trong năm 2016 và giảm ngay mức lãi suất trung – dài hạn về tối đa 10%/năm cho các khách hàng uy tín. Trong khi đó VietinBank cũng sẽ xem xét giảm 0,5-1% LSCV đối với một số lĩnh vực trọng điểm, được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển.
Để giảm lãi suất thêm thì đương nhiên các NHTM phải tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng” ở mức tối đa. Giám đốc một chi nhánh NHTM tại khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chỉ đạo của cấp trên là sẽ phải đẩy mạnh tiết kiệm các chi phí hoạt động tới mức thấp nhất như: điện, nước, giấy tờ in ấn, phô tô…
Đây cũng là chủ trương không chỉ của riêng một NH nào mà trong toàn ngành Ngân hàng cũng đang đẩy mạnh việc tiết kiệm, chống lãng phí. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến quán triệt chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2016 cũng được NHNN tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: các NHTM cũng phải đưa ra nhiệm vụ với công tác tiết kiệm, chống lãng phí là để tiết giảm các chi phí, để giảm LSCV, hỗ trợ DN.
Bên cạnh việc tiết giảm các chi phí công vụ trong hoạt động thì các NHTM cũng cho rằng, cần cả sự điều chỉnh kỹ thuật từ phía Chính phủ và NHNN như giảm một phần tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM, giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ để giảm áp lực tăng lãi suất và áp lực vốn trung hạn đối với các NH.
Giảm lãi suất với hệ thống NH còn là mệnh lệnh và nhiệm vụ chính trị quan trọng bởi theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ban hành ngày 16/5/2016, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý.