Tín dụng 2017: Chọn số lượng hay chất lượng?
Chờ cơ hội tiếp cận tín dụng mới về nhà ở | |
Hà Nội: Tín dụng năm 2016 tăng 19,4% | |
Tín dụng cho bất động sản năm 2017 |
Chính sách tỷ giá, lãi suất, tín dụng của ngành NH tới đây sẽ được điều hành thế nào? Đặc biệt, con số định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 khoảng bao nhiêu?... là những câu hỏi đang được thị trường quan tâm khi năm 2016 đang dần khép lại.
Ảnh minh họa |
Theo NHNN, khi đưa ra con số tăng trưởng tín dụng (TTTD) ở mức bao nhiêu, thì cũng chỉ mang tính định hướng chứ không phải mục tiêu phải đạt cho được, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Xung quanh vấn đề TTTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú từng nhấn mạnh: “Trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng, thì việc TTTD đến mức độ nào trước hết là phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Đây là mục tiêu cao nhất của TTTD”.
Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, giới chuyên gia và các CEO NH cũng đồng tình với quan điểm trên và bổ sung thêm rằng, đặt ra mục tiêu TTTD còn phải cân đối trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát lạm phát và qua công tác dự báo, thống kê.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – NH thì thông thường ở Việt Nam mức TTTD phù hợp là gấp khoảng 2,5 lần GDP. Và nếu năm 2017 Quốc hội đã thông qua tăng trưởng GDP ở mức 6,7% thì TTTD cũng khoảng 17%.
Một chuyên gia khác xin giấu tên cho biết, năm trước mục tiêu GDP cũng được đặt ra ở mức 6,7% và NHNN đưa ra định hướng TTTD ở mức từ 18% - 20%, thì năm 2017 cũng có thể đưa ra mức tăng tương tự. Dĩ nhiên TTTD phải thực sự hỗ trợ cho nền kinh tế.
Không đưa ra con số TTTD ở mức bao nhiêu, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho rằng, định hướng cho tín dụng thì chỉ cơ quan quản lý mới đưa ra được khi dựa trên cơ sở công tác thống kê, dự báo. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, theo ông Tùng có thể thấy cầu tín dụng năm 2016 đã tăng trở lại và sẽ tiếp tục “tràn” sang năm 2017. Như vậy, nhu cầu tín dụng năm 2016-2017 có thể cao hơn giai đoạn 2014–2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống cao hơn.
Các chuyên gia vẫn nghiêng về phương án chú trọng đến chất lượng tín dụng chứ không nhất thiết phải đặt ra chỉ tiêu. Bởi vì, thứ nhất, cơ quan quản lý cần phải tiếp tục kiểm soát tín dụng cho vay với các lĩnh vực mang tính đầu cơ, đầu tư như chứng khoán, BĐS. Tức là phải đưa tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, đối tượng được cấp tín dụng phải thực sự minh bạch, trong đó có tín dụng cho DN có vốn nhà nước; tín dụng cho những người có liên quan tới cổ đông lớn của NH. Thứ ba, tín dụng phải đạt được những yêu cầu về quản lý rủi ro. Những khoản tín dụng phải được thẩm định kỹ và được phê duyệt từ cấp có thẩm quyền, tránh việc nhân viên thẩm định tài sản bảo đảm thổi phồng giá trị tài sản lên. Có như vậy chất lượng tín dụng mới được đảm bảo, tránh phát sinh nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ những lý do cơ bản trên, các chuyên gia cho rằng, năm tới, không nhất thiết phải đưa ra mức TTTD từ đầu năm. Mà thay vì đưa ra mục tiêu định hướng cho cả năm thì nên để lỏng và điều chỉnh theo từng quý trên cơ sở hấp thụ vốn của nền kinh tế. “Tín dụng phải dựa vào tình hình thực tế, điều chỉnh mỗi quý thì hợp lý hơn” – một chuyên gia nhấn mạnh. Vẫn biết rằng hiện nay thị trường tiền tệ đang chịu nhiều áp lực, khi thị trường vốn chưa phát triển và rất ít DN phát hành được trái phiếu, đặc biệt, nguồn vốn cho vay hiện nay chủ yếu là dài hạn, nhưng chất lượng tín dụng vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Lãnh đạo một NHTM đưa ra góp ý, đó là cách quản lý room tín dụng cũng nên có sự điều chỉnh, đảm bảo tiêu chí về chất lượng, cân đối về thanh khoản. NH nào có tỷ lệ nợ xấu thấp thì cần tạo điều kiện để tăng trưởng.
Bên cạnh đó, nên có room riêng cho tín dụng với nhóm lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ là: Lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất, kinh doanh của DNNVV; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, quan trọng nhất vẫn là “chỉ số an toàn” – ông chia sẻ và cho rằng, NH nào đạt các tiêu chuẩn về Basel II thì NH đó có thể hưởng mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Thậm chí khi đã đạt tiêu Basel II thì không khống chế TTTD.