Tín dụng dài hạn bền vững hơn
Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao | |
Bơm mạnh vốn cho dự án công nghệ cao | |
Đẩy vốn cho DN sử dụng công nghệ cao |
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đến cuối năm 2015, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,29% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh nhất ở mức 43,07%; cao gấp 7 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế.
Có thể nhận xét ngay rằng, việc tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao là một tín hiệu rất tích cực của thị trường tài chính tiền tệ. Bởi khi dồn vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, một mặt các NHTM đi đúng theo định hướng ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh mà Chính phủ và NHNN đang chỉ đạo thực hiện.
Mặt khác, khi cho vay vào các dự án ứng dụng công nghệ cao các NHTM sẽ gia tăng được tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ đó tận dụng bán chéo sản phẩm để tạo ra hiệu quả kinh doanh với chi phí giá vốn thấp.
Quan sát thực tế thị trường trong suốt năm 2015 vừa qua có thể thấy rằng hoạt động săn đón các dự án ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng được các NHTM thúc đẩy khá mạnh mẽ. Từ các tháng đầu năm 2015, các NH như BIDV, Techcombank đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi phát triển dự án tiết kiệm năng lượng và giải ngân nguồn vốn vay trung, dài hạn khá lớn vào các DN ứng dụng công nghệ cao.
Những thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, đến cuối quý III/2015 mặc dù nguồn vốn giải ngân vào các dự án ứng dụng công nghệ cao không quá lớn (khoảng gần 6.300 tỷ đồng), nhưng cũng chiếm tỷ trọng cao trong số 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Nhiều dự án trọng điểm như: dự án đầu tư nhà máy sản xuất giá đỡ động mạch vành United HealthCare, dự án xây dựng hạ tầng công nghệ và cung cấp dịch vụ tài chính tại khu công nghệ cao TP.HCM, dự án nhà máy sản xuất thuỷ tinh thể nhân tạo... đã được các NHTM tài trợ vốn dài hạn với tổng mức tín dụng từ 150-300 tỷ đồng/dự án.
Ảnh minh họa |
Từ góc độ thị trường, việc các NHTM tăng cường tìm kiếm các dự án phát triển công nghệ cao để đầu tư cho thấy, dòng tín dụng đang chuyển biến dần theo hướng hợp tác bền vững.
Các NHTM khi tham gia cung ứng vốn cho các dự án công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng buộc phải tự đổi mới cách thức tiếp cận cũng như gia tăng các hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bởi hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ cao đều là những dự án trọng điểm được Chính phủ ưu đãi khuyến khích phát triển và địa phương sẵn sàng trích ngân sách cấp bù lãi suất vay vốn.
Chính vì vậy, khi gia tăng cung ứng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao bản thân các NHTM trong nước chịu áp lực chuyển dần từ quan hệ chủ nợ - khách hàng sang quan hệ hợp tác kinh doanh bình đẳng. Điều này kích thích hệ thống NHTM đổi mới hạ tầng công nghệ và gia tăng các sản phẩm dịch vụ để khai thác các thị trường ngách và các nhóm lĩnh vực chuyên biệt.
Rõ ràng, với mục tiêu hình thành khoảng 500 DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao và 40 cơ sở ươm tạo công nghệ cao trên cả nước đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì trong các năm tới nhóm khách hàng là DN ứng dụng công nghệ cao sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ và thị phần dành cho khối NHTM trong nước tham gia cung ứng vốn vay trung – dài hạn sẽ khá mở rộng. Điều này tạo ra cơ sở để các TCTD xây dựng các chiến lược tái cơ cấu tỷ lệ vốn vay và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính kết hợp.
Từ đó, mục tiêu xây dựng các NH bán lẻ hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới có điều kiện để bứt phá trong bối cảnh lộ trình hội nhập tài chính của Việt Nam bắt đầu khởi động trong các năm tới.