Phát triển doanh nghiệp xanh để sản xuất an toàn giữa dịch Covid-19
Sau ngày diễn ra Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV đã chia sẻ về đề xuất này.
Theo ông Bình, doanh nghiệp xanh trước mắt gồm doanh nghiệp sản xuất xanh và doanh nghiệp vận tải/logistics xanh, tiến tới doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, trang trại xanh...
Trong đó, doanh nghiệp sản xuất xanh là doanh nghiệp có toàn bộ nhân viên, người lao động được tiêm đủ vắc-xin. Mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với các nhóm chủ thể ngoài doanh nghiệp; Quy trình ứng xử với Covid-19 tại đây áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất.
Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh là doanh nghiệp có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng...) được tiêm đủ vắc-xin, được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K để đi lại, giao tiếp, thực hiện dịch vụ, thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu.
Phát triển doanh nghiệp xanh để phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng |
“Việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải/logsitics xanh, doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh... để phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này”, Trưởng ban IV nói.
Đề xuất phát triển doanh nghiệp xanh xuất phát từ thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp thách thức khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ". Việc cung ứng hàng hóa khó khăn, vận tải hàng hóa sụt giảm đã làm giảm mạnh hiệu suất hoạt động. Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp hết sức đáng ngại do dòng vốn đã rất mỏng nay lại phát sinh thêm nhiều chi phí đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch…
Để thực hiện chiến dịch phát triển doanh nghiệp xanh, Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc-xin để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu... nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh.
Đồng thời, Chính phủ trao quyền cho các địa phương được quyết sách chủ động việc tổ chức tiêm tại chính các nhà máy thay vì chỉ ở trung tâm y tế, hay cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của Sở Y tế tỉnh, thành...
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp QR code cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng trên nền tảng công nghệ tập trung để làm điều kiện vận hành cho doanh nghiệp xanh, giúp nhân công, lái xe, các nhóm chủ thể được tiêm đi lại, thực hiện công việc dễ dàng (kèm theo việc kết hợp 5K) mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.
Để phát triển doanh nghiệp xanh thì Ban IV cũng mong Chính phủ chỉ đạo các Bộ rà soát khẩn trương và tháo gỡ các quy định đang không phù hợp để tạo nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp vận hành hoạt động, song song với việc phấn đấu trở thành doanh nghiệp xanh.
Các quy định không phù hợp đó là phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 để được nhận hỗ trợ vay trả lương; quy định về thời gian làm thêm trong tuần, trong ngày; hay yêu cầu người lao động phải không còn đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận hỗ trợ ngừng việc của nhà nước trong khi do giãn cách, phong tỏa kéo dài, hàng nghìn hàng triệu lao động phải ngừng việc, không có lương nhưng chủ sử dụng lao động vẫn nỗ lực hết sức để đóng tiền duy trì bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động...
Riêng đối với việc cho doanh nghiệp vay trả lương, nhìn vào các số liệu tương đối đáng quan ngại khi khảo sát người lao động, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét để mạnh dạn áp dụng cơ chế nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay gói vay trả lương tại các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách trong 3 năm như là 1 cách làm hết sức nhân đạo lúc này, cho dù có một phần rủi ro về khả năng thanh khoản nhưng xét tổng thể, đây là cách nhà nước cho doanh nghiệp ứng trước một phần nguồn lực mà họ sẽ đóng cho nhà nước để doanh nghiệp cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này.
Cuối cùng, về cơ chế giám sát hiệu quả chiến dịch phát triển doanh nghiệp xanh, đề xuất Chính phủ sử dụng nguyên tắc: Huy động giám sát toàn dân kết hợp chế tài nghiêm để đảm bảo mọi việc trong những giai đoạn khó khăn này không diễn biến bất cập như những ngày qua.
Một số giải pháp có thể nghĩ tới như Chính phủ chỉ đạo một cơ quan đầu mối triển khai nhanh chóng hệ thống đường dây nóng với đội ngũ tổng đài chuyên trách đáp ứng cả về số lượng, thái độ 24/7 để tiếp nhận các vấn đề từ doanh nghiệp, công bố rõ quy trình phản ánh và cách thức xử lý ở cả 4 cấp hành chính: Công bố rõ chế tài, trách nhiệm của các cá nhân lạm dụng, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp cũng như trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng đó... Những giải pháp này để phát huy khả năng giám sát diện rộng của toàn dân, nhằm cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.
“Dù bối cảnh trước mắt vẫn hết sức khó khăn, doanh nghiệp cam kết luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Chính phủ, sẵn sàng phối hợp nguồn lực công - tư nhằm chống dịch hiệu quả, bảo vệ nguồn lực chung của xã hội, bảo vệ các lợi thế đã và đang có để duy trì vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế”, ông Trương Gia Bình nói.