Tinh vi tội phạm công nghệ cao
Liên tiếp “dính bẫy”
Theo cơ quan điều tra từ tháng 4/2015, 3 đối tượng trên cấu kết với nhau thực hiện hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao thông qua mạng Internet, với hình thức nhắn tin cho những người sử dụng các mạng xã hội như: Zalo, Viber, Facebook... rằng họ đã trúng thưởng xe máy Liberty trị giá 68 triệu đồng và một phiếu quà tặng trị giá 60 triệu đồng. Sau đó, gọi điện yêu cầu nạn nhân muốn nhận thưởng phải nộp số tiền khoảng 10 triệu đồng vào các tài khoản cá nhân đã mở tại các ngân hàng, để làm hồ sơ, phí vận chuyển...
Cần cẩn trọng khi sử dụng thẻ ATM |
Tính đến ngày bị bắt, nhóm tội phạm đã đưa hàng chục nạn nhân “sập bẫy”, chiếm đoạt số tiền khoảng 550 triệu đồng. Để né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng mua 8 chiếc thẻ ATM với giá hơn 10 triệu đồng.
Trong đó, có nhiều thẻ ATM được làm bằng giấy chứng minh nhân dân giả để rút tiền. Mặc dù, ẩn náu tại Quảng Nam nhưng các đối tượng này lại sử dụng thẻ ATM đăng ký tại TP. Đà Nẵng khiến việc truy tìm của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trước đó cơ quan CSĐT công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt khẩn cấp ba nghi can lừa đảo qua mạng xã hội Zalo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng gồm: Lê Văn Pháp, Nguyễn Thị Phương và Phạm Nguyễn Minh Tài cùng trú tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
Tại Thừa Thiên - Huế, tội phạm lên quan đến công nghệ cao cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt có sự tham gia của đối tượng người nước ngoài. Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an Thừa Thiên - Huế, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động rất tinh vi, gây khó khăn cho việc truy bắt.
Mới đây, một nạn nhân nữ đến công an Thừa Thiên - Huế trình báo việc vừa được ngân hàng thông báo đã rút 16 triệu đồng trong thẻ tài khoản ngân hàng, trong khi nạn nhân đang ở nhà. Khi kiểm tra, ngân hàng mới biết thông tin trên thẻ của nạn nhân đã bị đánh cắp, các đối tượng đã 8 lần rút tiền với tổng số 16 triệu đồng tại một cây ATM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tại cây ATM mà nạn nhân bị đánh cắp thẻ, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế thu được thiết bị trộm cắp thông tin tài khoản, cam-era do một nhóm đối tượng người nước ngoài lắp đặt. Chỉ trong khoảng 10 ngày, nhóm tội phạm này đã lắp đặt thiết bị trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng tại rất nhiều cây ATM trên địa bàn TP. Huế và các vùng lân cận…
Nâng cao cảnh giác
Có thể nói, sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng tiện ích trên mạng internet đã và đang đặt ra những thách thức trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao. Đối tượng tham gia phạm tội trên lĩnh vực này đa phần có trình độ công nghệ, thủ đoạn phạm tội tinh vi...
Trong khi, hầu hết nạn nhân “sập bẫy” đều do lòng tham, thiếu hiểu biết và thái độ chủ quan. Từ việc dễ dàng nạp thẻ mua hồ sơ để nhận những “giải thưởng từ trên trời”, nạp thẻ điện thoại di động hoặc mất cảnh giác khi sử dụng các loại thẻ tín dụng… Do vậy, việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn với nhiều thử thách đối với các lực lượng chức năng.
Ngày 7/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao. Trong đó, chỉ rõ phải tăng cường ý thức trách nhiệm cá nhân tự bảo mật thông tin; Phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao.
Để góp phần ngăn chặn tội phạm công nghệ cao, công an nhiều địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền phổ biến, tuyên truyền đến người dân phương thức thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này. Trong đó, khuyến cáo người dân không tiếp tay cho tội phạm, thông qua việc mở tài khoản thẻ ATM cho người khác hoặc mua bán các loại thẻ ATM. Về phía các ngân hàng cũng đang tăng cường ngăn chặn việc lợi dụng giấy tờ của người khác mở tài khoản, sử dụng thẻ ATM để thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với từng cá nhân khi thanh toán trên máy POS cần quan sát kỹ, tránh việc thẻ bị quẹt trên thiết bị không phải là máy POS. Chủ thẻ không nên đưa thẻ cho nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ tự cầm thẻ đi quẹt trên máy POS. Chủ thẻ cũng cần bảo mật mã PIN của mình, không nên đặt mã PIN theo ngày tháng năm sinh hay số điện thoại của mình để tránh người khác có thể đoán biết. Khi bị mất thẻ cần kịp thời báo ngay với ngân hàng phát hành để khóa tài khoản, hạn chế rủi ro người khác lợi dụng rút tiền.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dùng email, yahoo, face-book, zalo… cần thận trọng khi đăng nhập các tài khoản của mình trên mạng Internet. Cần kiểm tra tên miền của trang web đó có đáng tin cậy, sau đó mới đánh ký tự mật khẩu để tránh bị các đối tượng dùng phần mềm “gián điệp” đánh cắp thông tin, lợi dụngcông nghệ để chiếm đoạt tài sản.