Tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi
Ảnh minh họa |
Người ta vẫn nhớ vụ việc làm giả thẻ tín dụng cách đây không lâu của người Việt liên kết với các đối tượng sống ở Mỹ. Cụ thể, Vũ Phong (34 tuổi, ở phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại dịch vụ trực tuyến MPT, chuyên kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến trên mạng Internet.
Biết nhiều người có nhu cầu mua thẻ Visa ảo và thẻ trả trước để sử dụng vào các dịch vụ trực tuyến, Phong nhờ người quen sống ở Mỹ tìm mua các thẻ trả trước do ngân hàng Mỹ phát hành gửi về Việt Nam để bán lại kiếm lời. Phong đã câu kết với hai đối tượng khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cách thức mà công ty của Phong thực hiện khá đơn giản. Nhóm đối tượng này đã phát hiện lỗi hệ thống thanh toán trực tuyến trên mạng Internet của một công ty có tên là Paypal hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, có trụ sở đặt tại bang Canifornia (Mỹ), chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet.
Về quy trình, Paypal thu phí thông qua việc xử lý thanh toán cho các hãng hoạt động trực tuyến, các trang đấu giá và các khách hàng DN khác. Mọi khách hàng muốn lập tài khoản Paypal phải trên 18 tuổi và có thẻ tín dụng (credit card) hoặc một tài khoản ngân hàng và một hòm thư điện tử.
Thông qua lỗi của Paypal, nhóm của Phong lấy mã thẻ ngân hàng gồm: mã ngân hàng, số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ tài khoản Paypal sang tài khoản cá nhân và hoàn tất quá trình rút tiền.
Với hình thức này, các chủ thẻ thực sự đã mất cả tỷ đồng và ngân hàng cũng bó tay với những hoạt động vô cùng tinh vi của nhóm lừa đảo. Trong bối cảnh tội phạm ngày càng có trình độ cao về công nghệ, nhiều người tiêu dùng trong nước tỏ ra lo sợ, thậm chí quay trở lại sử dụng tiền mặt.
Điều đó lý giải vì sao có đến hàng triệu thẻ tín dụng được cấp phát nhưng ở trong tình trạng bất động, không có giao dịch. Tuy nhiên, để đối phó với loại hình tội phạm này không phải quá khó. Nói như ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, nếu khách hàng hợp tác với ngân hàng theo đúng quy trình thì việc mất tiền trong thẻ là rất khó xảy ra.
Theo đó, để phòng tránh tình trạng bị lấy cắp thông tin và đảm bảo sử dụng thẻ một cách an toàn, đối với khách hàng/chủ thẻ/người sử dụng thẻ khi giao dịch tại ATM, nếu thấy có, hoặc nghi ngờ bất kỳ thiết bị lạ xung quanh, đặc biệt tại các vị trí màn hình, đầu nhận thẻ, bàn phím… thì tuyệt đối không tiếp tục sử dụng, đồng thời thông báo cho ngân hàng chủ quản để kiểm tra làm rõ.
Còn đối với thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), khi giao dịch, chủ thẻ cần đảm bảo phải đứng trực tiếp tại bàn thanh toán có vị trí thoải mái nhằm quan sát được toàn bộ quá trình thanh toán thẻ và các bất thường xung quanh.
Điểm quan trọng nhất trong việc thanh toán qua Internet, là chủ thẻ cần chú ý tìm hiểu và chọn các trang web uy tín, hợp pháp; Chỉ mở chức năng thanh toán trực tuyến khi có nhu cầu và đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch.
Ngược lại, đối với ĐVCNT, cần từ chối chấp nhận thẻ trong các trường hợp: Thẻ giả hoặc có liên quan đến các giao dịch giả mạo; Thẻ đã được chủ thẻ thông báo bị mất; Số dư tài khoản thanh toán, hạn mức tín dụng, hoặc hạn mức thấu chi (nếu có) không đủ chi trả khoản thanh toán… Đối với giao dịch có giá trị lớn hoặc nghi ngờ thẻ giả, ĐVCNT có thể liên hệ với ngân hàng yêu cầu kiểm tra thông tin.
Tuy nhiên, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, bên cạnh việc luôn nhắc nhở, cảnh báo khách hàng đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình, thiết nghĩ, về phía ngân hàng cũng cần chủ động áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong việc phát hành và thanh toán thẻ nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận, giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.
Bên cạnh đó, khi hợp tác với các ĐVCNT, ngân hàng còn nên thẩm định kỹ và có những điều khoản ràng buộc cũng như hướng dẫn nghiệp vụ cho các ĐVCNT nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của ĐVCNT, của ngân hàng…